Peer to Peer (P2P), vay tiền online, vay tiền không cần gặp mặt là hình thức vay đang khá nổi tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước thực trạng hàng loạt các công ty cho vay trực tuyến tại Trung Quốc phá sản, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đã lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng nên cẩn trọng.
Tại Việt Nam, bên cạnh các ngân hàng, các công ty tài chính, trong vài năm gần đây đã có sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng, rộng rãi của các mô hình cho vay trực tuyến (online) ngang hàng, thường được biết đến với tên gọi như: “Vay tiền nhanh online”; “Vay tiền không thế chấp”, “Vay tiền không cần gặp mặt”…Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay (công ty tư vấn).
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, từ thực tế ghi nhận trong thời gian qua, căn cứ bài học kinh nghiệm tại Trung Quốc, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch vay tiền trực tuyến người tiêu dùng cần lưu ý:
Do phần lớn các giao dịch được thực hiện online nên phạm vi thu thập và mục đích sử dụng thông tin của các công ty là rất lớn, trong đó, có một số mục đích sử dụng đặc thù, ví dụ như: để kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua các mạng xã hội mà người đi vay đăng ký (facebook, zalo…), hoặc để liên hệ thực hiện nhắc/thu nợ khi phát sinh nợ quá hạn (điện thoại của người thân, của đồng nghiệp…);...
Vì vậy, trước khi cung cấp các thông tin liên quan, người tiêu dùng cần tìm và nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty để hiểu rõ phạm vi và mục đích sử dụng, tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, dễ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè.
Về lãi suất vay – các khoản vay này có thể không chỉ là lãi suất thực, còn phải chịu các khoản phí khác như phí tư vấn, phí quản lý khoản vay; Về điều kiện hủy giải ngân, chính sách gia hạn khoản vay.
Cùng với đó, người tiêu dùng cần lưu ý ký và lưu giữ hợp đồng, chỉ xác nhận đồng ý ký hợp đồng sau khi đã được tìm hiểu và nhìn rõ các nội dung thể hiện trên hợp đồng, tránh trường hợp thông tin bị thay đổi giữa nội dung tư vấn và trên hợp đồng đã ký.
Trước đó, nhiều chuyên gia, luật sư cũng đưa cảnh báo tới người tiêu dùng về hình thức cho vay P2P, bởi luật pháp kiểm soát hình thức cho vay này hiện còn chưa rõ ràng và gây tranh cãi. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, người chịu thiệt cuối cùng thường là người tiêu dùng, khách hàng vì không được luật pháp bảo vệ.
>>> Xem thêm: Kinh nghiệm không thể bỏ qua khi vay mua nhà trả góp cuối năm
Tư vấn khoản vay