Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) lên 5.004 tỉ đồng.
Cụ thể, NHNN chấp thuận việc NCB tăng vốn điều lệ từ 3.010 tỉ đồng lên 5.004 tỉ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên NCB và cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông NCB thông qua vào ngày 26/4/2018 và được Hội đồng quản trị NCB thông qua tại Nghị quyết số 60/2018/NQ-HĐQT ngày 8/10/2018. Văn bản có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2018, liệu NCB có thực hiện được tăng vốn lên 5 nghìn tỷ đồng theo phương án đã thông qua?
Tăng vốn là một yêu cầu quan trọng với NCB để thúc đẩy tái cơ cấu nhưng nhiều năm qua kế hoạch tăng vốn vẫn chỉ nằm trên giấy.
Năm 2014, NCB dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.010 tỷ đồng lên 4.510 tỷ đồng. Năm 2017, ngân hàng này lại “lên dây cót” với kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 3.010 tỷ đồng lên mức 6.010 tỷ đồng, tiếp tục công cuộc tìm kiếm cổ đông chiến lược.
Từ tháng 4/2018, ban lãnh đạo NCB lại trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng, để nâng vốn điều lệ lên hơn 5.000 tỷ đồng vào cuối 2018, với sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài.
Tuy nhiên, đã gần hết năm 2018 mới có văn bản chấp thuận tăng vốn từ NHNN. Dường như công cuộc tìm đối tác ngoại tại NCB cũng không dễ dàng.
Sau 5 năm tái cơ cấu, hoạt động NCB đến nay cũng chưa có nhiều nổi bật trên thị trường và liên tục là ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất hệ thống; thị giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp, loanh quanh ở mức giá niêm yết 10.000 đồng/cp.
>>>> Xem thêm: Cập nhật chi tiết thông tin lãi suất ngân hàng quốc dân (NCB) 2018
Tư vấn khoản vay