Alipay, Samsung Pay, tới đây sẽ là Facebook, Apple, Google... tham gia cuộc chơi trên thị trường tài chính Việt Nam. Thế nhưng, kỷ nguyên thanh toán phi tiền mặt vẫn chưa thể bắt đầu, bởi không chỉ với ngân hàng, fintech Việt, mà ngay cả những gã khổng lồ trên cũng gặp nhiều vướng mắc.
Đánh giá động thái Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp nhận cho Alipay hợp tác với Napas, chính thức gia nhập thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty GBA Fintech MSC Global Việt Nam cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy sự cởi mở của cơ quan quản lý và các ngân hàng với fintech. Đây cũng là cơ hội để fintech Việt phát triển, hướng tới mục tiêu đưa đến cho khách hàng những dịch vụ tiện ích mà không phải đến phòng giao dịch của các ngân hàng.
Trước Alipay, Samsung Pay cũng đã chính thức “đổ bộ” thị trường Việt Nam. Cách đây không lâu, MB thông qua facebook chat, ra mắt kênh giao dịch tài chính eMBee - kênh dịch tài chính qua Fanpage đầu tiên tại thị trường Việt Nam.
|
. |
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó giám đốc Khối ngân hàng số MB kỳ vọng, MB sẽ phát triển khoảng 500.000 khách hàng mới năm 2018 thông qua kênh này. “Quan điểm của tôi là ngân hàng -fintech sẽ có sự cạnh tranh, nhưng sự hợp tác sẽ lớn hơn cạnh tranh”, ông Huy nói.
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng lớn nhỏ trên thị trường đều đã bắt tay với một hoặc một số fintech để phát triển các ứng dụng tiện ích, các sản phẩm số sáng tạo. NHNN cũng đã cấp phép cho 24 ví điện tử hoạt động trên thị trường.
Ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey & Company Việt Nam cho rằng, trong 10 năm nữa, những ngân hàng chỉ làm nghiệp vụ ngân hàng thuần túy sẽ không còn hợp thời và khó có thể tồn tại. Trong khi đó, các sáng tạo lại chỉ diễn ra ở fintech mà không diễn ra tại các ngân hàng. Chính vì vậy, cùng bắt tay fintech để xây dựng hệ sinh thái là con đường để thành công.
Như vậy, đến thời điểm này, cả cơ quan quản lý nhà nước và ngân hàng đều đã có cái nhìn cởi mở với fintech. Vậy fintech đã có thể bùng nổ? Sự thực không đơn giản như vậy.
>>> Xem ngay: Hệ sinh thái "chạm để thanh toán" cùng Samsungpay
Chưa bao giờ, các fintech, các ứng dụng thanh toán điện tử lại nở rộ như thời gian qua. Thế nhưng, làn sóng này chưa lan tỏa được tới người tiêu dùng. Thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn chưa mấy thay đổi.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính Ngân hàng Ernst & Young (EY) Việt Nam chỉ ra rằng, dù Samsung Pay hay ứng dụng thanh toán bằng QR code mà Alipay cũng như hàng loạt ngân hàng Việt Nam đang áp dụng rất dễ dàng, tiện ích. Tuy nhiên, đa phần người dùng tải các dứng dụng này không thể thanh toán tiện lợi mọi lúc, mọi nơi, bởi đi chợ, uống cà phê vỉa hè, ăn phở sáng… đều không thể thanh toán bằng QR code hoặc Samsung pay.
NHNN đã thành lập Ban Quản lý fintech để hoàn thiện hành lang pháp lý, hoàn thiện hệ sinh thái fintech. Tuy nhiên, do fintech là lĩnh vực mới và liên tục phát triển, đổi mới với cấp độ nhanh chóng, bởi vậy, hành lang pháp lý hiện hành chưa đầy đủ. Thời gian tới, NHNN đã xác định tập trung xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty fintech trong lĩnh vực ngân hàng, bổ sung, sửa đổi hoạt động của ngành ngân hàng để tương thích và phù hợp hơn với bối cảnh số hóa và sự phát triển của fintech.
“Ví điện tử hay QR code chỉ là ngọn. Cái gốc là làm sao Việt Nam phải phát triển được đội ngũ bán hàng (mechant) đông đảo sử dụng công nghệ này, đồng ý nhận tiền bằng ví điện tử thay vì nhận tiền mặt. Làm được điều này phải mất nhiều thời gian để thay đổi nhận thức của người sử dụng. Ngoài ra, các dịch vụ ví điện tử phải đơn giản hơn, bởi các mechant bận rộn và không có nhiều kiến thức tài chính. Muốn làm được điều này, hành lang pháp lý để áp dụng công nghệ số cho các ngân hàng, fintech là rất cần thiết.
Theo các chuyên gia, về cơ bản, Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý cho fintech phát triển và thử nghiệm, các thủ tục pháp lý còn rắc rối, phức tạp, không phù hợp với sự phát triển sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng số.
Được biết, tại Singapore, các Fintech và công ty khởi nghiệp có thể thử nghiệm mọi thứ mà họ muốn, miễn là có kế hoạch kinh doanh rõ ràng. Chỉ đến khi các công ty này phát triển tốt, lớn mạnh thì mới bị chính phủ “để ý”.
Còn tại Việt Nam, lĩnh vực tài chính, ngân hàng bị quản lý một cách hết sức chặt chẽ. Chỉ riêng việc mở tài khoản ngân hàng hay sử dụng ví điện tử, xác định danh tính khách hàng (KYC) cũng mất rất nhiều thời gian và cần đến nhiều giấy tờ. Đây là lý do chính khiến người tiêu dùng chán nản với thanh toán phi tiền mặt.
Thiếu môi trường thử nghiệm cũng là lý do khiến nhiều fintech không thể thương mại hóa được sản phẩm của mình. Ông Nguyễn Quang Huy cho hay, rất nhiều fintech đang loay hoay vì không bắt tay với ngân hàng.
“Làm thế nào để các fintech kết nối được với các ngân hàng để triển khai ứng dụng, đưa ứng dụng vào cuộc sống vẫn là vấn đề khó khăn nhất. Để thúc đẩy fintech phát triển, cần có hành lang pháp lý cho fintech được thử nghiệm”, ông Huy nói.
Chia sẻ khó khăn của các fintech, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính EY Việt Nam đề nghị, NHNN cho phép áp dụng nhận diện khách hàng qua các phương tiện điện tử (e-KYC) để nâng cao hiệu quả của công nghệ số hóa. Đồng thời, NHNN cũng nên xem xét cân nhắc việc ban hành khung pháp lý thử nghiệm cho các fintech.
Thực tế, với hàng lang pháp lý chặt chẽ như hiện nay, không chỉ fintech Việt, mà ngay cả các ông lớn như Alipay có vào Việt Nam cũng sẽ rất khó phát triển.
Tư vấn khoản vay