Siết cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính "lãnh đòn"?

NHNN đang dự thảo Thông tư 43, bổ sung quy định các công ty tài chính phải đảm bảo dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng. Trong khi đó, phân khúc cho vay tiền mặt đang là "miếng bánh béo bở" mà các công ty tài chính đua nhau cạnh tranh trong thời gian gần đây.

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó, đáng chú ý có bổ sung quy định về các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng.

 

Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng - ảnh minh họa

 

Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng hiện nay có thể kể đến: FE Credit, Home Credit, SHB Finance, Mcredit, Prudential Finance ... 

 

Theo đó, dự thảo thông tư quy định công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (bằng tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản thanh toán của khách hàng) đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

 

Bên cạnh đó, công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.

 

Theo giải thích của phía NHNN, bởi cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Vì vậy để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nên hướng đến khách hàng đã vay tại CTTC và có lịch sử trả nợ tốt.

 

Ở các công ty tài chính, hình thức cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp đang chủ yếu được gọi dưới cái tên sản phẩm "cho vay tiền mặt", là một trong những sản phẩm chính bên cạnh cho vay mua hàng trả góp, thẻ tín dụng,...Đối tượng khách hàng mà các gói sản phẩm này nhắm đến chiếm đến hơn 50% dân số,  là những người chưa có tài khoản ngân hàng, có thu nhập trung bình chỉ từ 3 triệu - 5 triệu trở lên tùy yêu cầu của từng công ty.

 

Cho vay tiền mặt khác với cho vay thông qua các điểm liên kết bán hàng, đó là chỉ khi khách hàng mua tiêu dùng thì mới được vay một phần để trả cho hàng hóa mua, còn cho vay tiền mặt không cần thế chấp, thủ tục nhanh và không cần chứng minh mục đích vay, là mảng dễ phát triển dư nợ, nhưng có rủi ro cao hơn, nên tất nhiên lãi suất cũng rất cao để bù đắp rủi ro.

 

Việc cơ quan quản lý có động thái muốn siết cho vay tiền mặt ở các công ty tài chính là điều có thể hiểu được khi hoạt động cho vay này bắt đầu "nóng" trong hơn 1 năm trở lại đây. Phân khúc này trở thành trận địa cạnh tranh rất sôi động khi từ các ông lớn như Fe Credit, Home Credit, HD Saison,…cho đến các "tân binh" như Easy Credit, MCredit, SHB Finance,... đều tung ra các gói sản phẩm với hạn mức khá cao (tối đa từ 70 triệu - 200 triệu) đồng thời rút gọn thời gian phê duyệt chỉ còn từ 1-3 ngày.

 

Theo StoxPlus, sở dĩ các công ty tài chính có xu hướng chuyển dịch sang mảng cho vay giải ngân trực tiếp và phát hành thẻ tín dụng là bởi hình thức cho vay trả góp để mua xe hay đồ gia dụng tại các cửa hàng, các điểm bán lẻ đã trở nên bão hòa. Theo đó, cho vay tiền mặt trở thành "mỏ vàng" mới, có sức tăng trưởng cao nhờ nhu cầu vay tiền rất lớn từ những người không có tài khoản ngân hàng và thu nhập thấp.

 

Các công ty tài chính không công bố tỷ trọng của mảng cho vay tiền mặt hiện nay là bao nhiêu trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng; tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sẽ không phải là con số thấp.

 

Chẳng hạn tại HD Saison, theo tính toán của VDSC, tỷ trọng của cho vay tiền mặt trong danh mục được giữ ở mức 32% năm 2018 (giảm nhẹ so với 33% năm 2017), trong khi cho vay xe máy chiếm khoảng 41% và cho vay hàng tiêu dùng lâu bền chiếm khoảng 25%.

 

Tỷ lệ này có thể sẽ còn cao hơn nữa ở các "tân binh" khi họ đẩy mạnh sản phẩm cho vay tiền mặt ngay từ lúc ra mắt thay vì nhảy vào cạnh tranh quyết liệt ở lĩnh vực cho vay trả góp. Chẳng hạn, ngay từ khi ra mắt vào hồi tháng 10/2018, Easy Credit – thương hiệu của EVN Finance liền tung ra thị trường gói vay tiền mặt cho khách hàng có thu nhập chỉ từ 4,5 triệu đồng trở lên. Hay SHB Finance ra mắt hồi tháng 8/2018 cũng nhắm đến thị trường cho vay tiền mặt với loạt gói sản phẩm cho nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng trở lên.

 

Việc giới hạn tỷ trọng dư nợ của giải ngân trực tiếp sẽ có tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh bởi đây là lĩnh vực tiềm năng, được dự báo còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ hạn chế các công ty tài chính quá sa đà vào lĩnh vực cho vay tiền mặt, vốn được các chuyên gia cảnh báo là siêu lợi nhuận nhưng nhiều rủi ro.

 

>>>> Xem thêm: Tổng hợp thông tin lãi suất vay tín chấp 2019 các ngân hàng uy tín nhất

 

Theo CafeF

Tư vấn khoản vay