Techcombank, VPBank, MB được nới room tín dụng, sẽ bứt tốc mạnh cuối năm?

Áp lực lạm phát giảm bớt giúp Ngân hàng Nhà nước có thể ra quyết định nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Rõ ràng đây là một cơ hội để cải thiện kết quả kinh doanh của nhóm ngành ngân hàng

 

Hồi đầu năm, NHNN công bố mục tiêu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2018 ở mức 17%, tuy nhiên, từ phía cơ quan nhà nước hay các chuyên gia đều cho rằng đó cũng không phải là chỉ tiêu nhất thiết phải đạt được. Và trên thực tế, trước biểu hiện áp lực lạm phát, NHNN đã chủ động kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng, với các chỉ tiêu giao cụ thể cho từng thành viên ở mức thấp, khoảng 14-16%, phụ thuộc vào khả năng kiểm soát và chất lượng cho vay của từng nhà băng. Trước tháng 10, NHNN cũng liên tục phát đi các thông báo nhắc nhở các ngân hàng thực hiện theo đúng chỉ tiêu được giao, thậm chí khá cứng rắn công bố sẽ không xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trừ các trường hợp đặc biệt.

 

Techcombank, VPBank, MB được nới room tín dụng cuối năm

Techcombank, VPBank, MB được nới room tín dụng

 

Tuy nhiên, về cuối năm là thời điểm kinh doanh sôi động, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng cao khiến các nhà băng lại không muốn ngồi yên, bỏ lỡ cơ hội bứt tốc giai đoạn này. Một số nhà băng đã nhận được cái gật đầu từ cơ quan quản lý về việc tăng chỉ tiêu tín dụng, không ngạc nhiên khi đó là 3 ngân hàng tư nhân lớn, có những điều kiện tốt hơn so với mặt bằng chung trong hệ thống.

 

Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng Quân đội MB đã được nâng từ 15% lên mức 17% cho cả năm. Và trước MB, ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đã được Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 20% năm.

 

Techcombank cũng là thành viên đã sớm tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây. Với quyết định nới room tín dụng, Techcombank sẽ có thêm khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm.

 

>>> Xem thêm: Lãi suất tiết kiệm tháng 12/2018 - Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng

 

Nguồn tin của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, một lãnh đạo cấp chi nhánh VPBank vừa qua cho biết họ đã thực hiện điều chỉnh lại một số cân đối trong hoạt động, theo định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống là 17% thay vì 15% được Ngân hàng Nhà nước giao hồi đầu năm. Phần tín dụng được tăng thêm tương ứng khoảng 3.000 tỷ đồng.

 

Vậy tại sao, NHNN lại bất ngờ nới "room" tín dụng cho một số ngân hàng như vậy? Theo BVSC, từ đầu năm nay, trước biểu hiện áp lực lạm phát, NHNN đã chủ động kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng khá thấp với các ngân hàng.

 

Tuy nhiên, áp lực về lạm phát đến nay đã có phần giảm bớt do giá dầu suy giảm trong thời gian gần đây. Tuần vừa qua giá xăng trong nước cũng đã giảm 1.500 đồng/lít. Áp lực lạm phát giảm bớt giúp ngân hàng nhà nước có thể ra quyết định nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Rõ ràng đây là một cơ hội để cải thiện kết quả kinh doanh của nhóm ngành ngân hàng. Về mặt vĩ mô thì cũng giảm bớt áp lực về thanh khoản và lãi suất bị lên cao như hiện nay.

 

Ngoài ra, với trường hợp của Techcombank, VPBank và MB, việc được tăng chỉ tiêu tín dụng có thể đến từ việc có nền tảng vốn khá tốt so với nhiều ngân hàng còn lại trong hệ thống. Cả 3 nhà băng đều có đợt tăng vốn khá lớn và thành công trong năm nay. Trong đó, Techcombank đã tăng vốn điều lệ từ mức 11.655 tỷ đồng lên tới gần 35.000 tỷ hồi cuối tháng 9 (tăng gấp 3 lần) thông qua việc chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:2 cho các cổ đông.

 

Tại VPBank, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc được phê duyệt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 15% là nhờ nền tảng vốn mạnh mẽ của ngân hàng, sau khi đã có đợt tăng vốn 64% trong năm lên mức 25.300 tỷ đồng. Hệ số CAR hợp nhất (theo tiêu chuẩn thông tư 36) của VPBank có giảm nhẹ, nhưng theo VDSC vẫn là mức cao trong nhóm các ngân hàng niêm yết, ở mức 13%.

 

Còn ở MB, ngân hàng cũng tăng hơn 3.400 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm nay lên mức 21.600 tỷ đồng nhờ chia cổ tức bằng cổ phiếu.

 

Sau khi có thông tin các ngân hàng trên được tăng chỉ tiêu tín dụng, các nhóm phân tích của các CTCK đã nâng triển vọng lợi nhuận cả năm 2018 của các ngân hàng.

 

Trong đó, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) quyết định điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận 2018 của ngân hàng MB thêm 2%, đạt 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của MB đạt 6.015 tỷ, lợi nhuận ròng đạt 4.801 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ.

 

Techcombank, VPBank, MB được nới room tín dụng - ảnh minh họa

Techcombank, VPBank, MB được nới room tín dụng - ảnh minh họa

 

Với VPBank, VDSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ có thể đạt 17%, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cao điểm trong quý cuối năm của nền kinh tế, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất có thể đạt 9.421 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2017), cao hơn so với mục tiêu của nhà băng này trong cả năm (chỉ ở mức hơn 9.200 tỷ).

 

Với những nhận định về hoạt động kinh doanh cả năm nói trên cho thấy các công ty chứng khoán rõ ràng đang kỳ vọng 3 ngân hàng trên sẽ có những bứt tốc mạnh trong tháng cuối cùng của năm.

 

>>> Xem thêm: TPBank chuẩn bị khai trương chi nhánh đầu tiên tại Tiền Giang

Theo thế giới ngân hàng
Từ khóa nổi bật
tin tức ngân hàng tín dụng

Tư vấn khoản vay