Sau BIDV, 2 "ông lớn" trong khối ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước là VietinBank và Agribank đã có động thái tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.
Cụ thể, trên biểu lãi suất huy động của VietinBank ngày 5/9, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tăng thêm 0,2% lên 4,3%/năm. Kỳ hạn từ 4 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 4,8%.
Tương tự, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng được ngân hàng này tăng 0,2% lên 5,3%; Các kỳ hạn dài không có thay đổi so với mức khảo sát cuối tháng 7.
Các mức lãi suất kể trên là mức trần lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân tại VietinBank, tại các chi nhánh có thể sẽ thấp hơn. Lãi suất tiết kiệm online và tiết kiệm thông thường không có nhiều khác biệt.
Bên cạnh VietinBank, Agribank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1-0,2% ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%/năm lên 6,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng thêm 0,1%/năm lên 6,8%/năm.
Ngày 4/9, BIDV đã có thông báo cộng thêm lãi suất từ 0,1 đến 0,2%/năm cho người gửi tiền ở một số kỳ hạn khi gửi online. Trước đó, ngân hàng này cũng đã tăng lãi suất thêm 0,2% đối với nhiều kỳ hạn ngắn.
Ngân hàng Agribank và Vietinbank tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn
Như vậy, 3 "ông lớn" có lượng tiền gửi lớn nhất hệ thống ngân hàng đều đã tăng lãi suất, nhập cuộc cùng với các ngân hàng tư nhân để hút tiền gửi. Mức lãi suất ở các ngân hàng lớn này hiện khá cạnh tranh với những ngân hàng tư nhân khác, thậm chí còn có thể cao hơn ở một vài kỳ hạn.
Ở khối ngân hàng cổ phần tư nhân lớn, Techcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn ngắn 1 tháng tăng thêm 0,1%, từ mức 4,5% lên 4,6%/năm. Các kỳ hạn dài hơn cũng được nhà băng này điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm phần trăm.
ACB hiện cũng đã áp dụng biểu lãi suất mới, mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại đây là 7,2%/năm. Các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng hầu như không có thay đổi, tuy nhiên ngân hàng lại cộng thêm từ 0,05 đến 0,1 điểm % cho các khách hàng có số tiền gửi lớn từ 5 tỉ đồng trở lên.
HDBank không tăng lãi suất nhưng áp dụng mức cộng tới 0,7%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng. Ngân hàng này lý giải đó là chương trình áp dụng theo từng độ tuổi của khách hàng hoặc khi khách hàng gửi tiết kiệm trong tháng sinh nhật của khách hàng hoặc của ngân hàng. Hiện lãi suất dưới 6 tháng mà HDBank đang áp dụng là 5,5%/năm trong khi kỳ hạn từ 6 tháng đến 13 tháng là 6,3 – 7,2%/năm (chưa cộng).
Ở nhóm các ngân hàng nhỏ và vừa trong khi đó ghi nhận hầu hết tăng lãi suất và chủ yếu là kỳ hạn dài, mức tăng khá mạnh từ 0,5 – 1,4%/năm, như: Viet Captial Bank, TPBank, SeABank, Nam A Bank, VIB Bank…
Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, các ngân hàng mạnh tay vay mượn nhau để phục vụ nhu cầu trước lễ 2/9. Riêng 3 ngày từ 29 – 31/8, các ngân hàng đã vay mượn tổng cộng hơn 35.500 tỷ đồng cho kỳ hạn 1 tuần, trong đó ngày 31/8 kỳ hạn 1 tuần doanh số chiếm trên 80% tổng giao dịch của các kỳ hạn.
Tuy nhiên, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, lãi suất qua đêm đã giảm từ 4,58%/năm hôm 27/8 xuống còn 4,19%/năm ngày 31/8; kỳ hạn 1 tuần giảm từ 4,67% xuống 4,48%/năm và 2 tuần giảm từ 4,69% xuống 4,6%/năm.
Đây là tuần đầu tiên lãi suất trên liên ngân hàng giảm sau 3 tuần tăng liên tục trước đó. Và dù giảm nhưng lãi suất vẫn neo ở mức rất cao trên 4%/năm, sau khi chạm đỉnh cao nhất kể từ cuối năm 2016 ở tuần trước.
Tại báo cáo cập nhật lãi suất tháng 8/2018 vừa công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong 6 tuần gần đây, lãi suất liên ngân hàng có diễn biến trồi sụt với biên độ tăng/giảm rất mạnh.
Đáng chú ý là kể từ đầu tháng 8 đến nay, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao, quanh mức 4,5%/năm cho hầu hết các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng. Mức lãi suất này là cao nhất kể từ cuối năm 2016 cho đến nay.
“Việc lãi suất liên ngân hàng neo ở mức cao trong nhiều tuần liên tục phản ánh sự eo hẹp trong thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng nói chung”, báo cáo nhận xét.
Theo quan sát của BVSC, những căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu dẫn truyền sang thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư). Theo đó, một số ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất với mức điều chỉnh từ 0,1-0,3% tùy từng kỳ hạn.
Về cơ bản, BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm trong thời gian tới, tuy nhiên mức tăng sẽ được giới hạn ở mức không quá nhiều (dưới 0,5%).
Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng cuối năm sẽ thấp hơn 6 tháng đầu năm (hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm nay chỉ là 15% trong khi đa phần các ngân hàng đã dùng hết 2/3 hạn mức tăng tín dụng trong 6 tháng đầu năm).
>>> Xem thêm: Lãi suất tiết kiệm tháng 9/2018 cập nhật mới nhất từ các ngân hàng
Tư vấn khoản vay