Thoái vốn các khoản đầu tư tại các ngân hàng từ cuối năm 2017 trong thời kỳ các nhà băng “lên ngôi”, Vietcombank đang thu lãi lớn từ các khoản đầu tư này.
Thị trường ngân hàng "xôn xao" với thông tin: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB, Vietcombank) dự định sẽ chào bán 53,4 triệu cp Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) với giá khởi điểm 19.641 đồng/cp. Đây là tổ chức tín dụng thứ 4 Vietcombank thông báo đấu giá cổ phần từ năm 2017, sau OCB, Saigonbank và Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC).
Trong lần bán vốn tại SaigonBank, CFC và gần đây nhất là OCB, Vietcombank đều thu những khoản lãi lớn so với vốn ban đầu. Thành công này có được một phần nhờ sự 'kiên nhẫn' của nhà băng lớn nhất Việt Nam, trong việc trì hoãn thoái cổ phần cho đến thời điểm thích hợp - lúc triển vọng của ngành ngân hàng lên cao.
Vietcombank là một trong những ngân hàng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng nhiều nhất, có cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 tổ chức tài chính, từ khi niêm yết.
Thông tư 36 về giới hạn sở hữu chéo yêu cầu các ngân hàng vi phạm phải thoái vốn trong vòng 12 tháng từ khi quy định có hiệu lực từ tháng 2/2015. Nhưng sau 2 năm, tình trạng tại Vietcombank vẫn không nhiều thay đổi.
Những động thái thoái vốn của Vietcombank chỉ bắt đầu rõ nét sau khi bị Thủ tướng nhắc nhở.
>>> Không thể bỏ lỡ: Thông tin lãi suất Viecombank chi tiết, đầy đủ nhất
Nửa cuối 2017, nhà băng này liên tiếp thông báo bán cổ phần tại các TCTD, đây cũng là thời điểm triển vọng của ngành ngân hàng manh nha xuất hiện những tín hiệu tích cực.
Vietcombank đã đấu giá toàn bộ 4,3% Saigonbank và 10,91% vốn của CFC thu về khoản lãi 193,3 tỷ đồng.
Nếu như câu chuyện thoái vốn của Vietcombank năm 2017 còn chưa trọn vẹn vì lượng cổ phiếu của OCB “ế”, thì năm 2018 ghi dấu với thành công vượt kỳ vọng.
Sau khi bán 13,3 triệu cp OCB trong năm trước, Vietcombank tiếp tục đấu giá toàn bộ 6,7 triệu cp OCB còn lại cùng 1,5 triệu cổ phiếu thưởng, giá trúng bình quân gần gấp đôi khởi điểm. Khoản đầu tư vào OCB mang về khoản lãi hơn 228 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư vào TCTD của VCB
Môi trường chính sách xử lý nợ xấu được gỡ nút thắt và tín dụng duy trì ở mức cao đã tạo nên bức tranh triển vọng cho các nhà băng, điều này đã ảnh hưởng tích cực đến đợt thoái vốn của Vietcombank.
Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu ra đời giải quyết gần như toàn diện các vấn đề trong quá trình xử lý nợ, thu hồi tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao và việc khai thác kênh bảo hiểm (bancassurance) sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào thu nhập từ phí của các nhà băng.
Nửa đầu năm, nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục với mức tăng trưởng 3 con số so với cùng kỳ 2017. Ba ngân hàng mà Vietcombank đang nắm giữ cổ phần, gồm OCB báo lãi ròng tăng 163%, Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) tăng 151%, Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) tăng 52%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm này cũng tăng 25-40%, trong quý I và chỉ “hạ nhiệt” khi thị trường điều chỉnh sâu.
Tính theo giá thị trường, cổ phiếu MBB và EIB là 2 khoản đầu tư lãi nhất của Vietcombank. Theo số liệu của Vietcombank, ngân hàng này đang sở hữu 6,97% vốn của MBB và 8,19% vốn tại Eximbank với số vốn chỉ 1.825 tỷ đồng.
Tính theo giá kết phiên 14/9, tổng giá trị lượng cổ phiếu khoảng 4.780 tỷ đồng, chênh lệch so với giá vốn gần 3.000 tỷ đồng.
Với 53,4 triệu cổ phần MBB đấu giá trong đợt này, nếu bán thành công ở giá khởi điểm 19.061 đồng/cp, Vietcombank có thể lãi khoảng 604 tỷ đồng. Nếu bán theo giá thị trường phiên 14/9 (22.600 đồng/cp), ngân hàng lãi gần 765 tỷ đồng.
Theo CTCK Bản Việt (VCSC), thu nhập lãi thuần tăng cùng lợi nhuận từ thoái vốn sẽ là động lực tăng trưởng củaVietcombank. Ngân hàng này có thể đạt 14.205 tỷ đồng lãi ròng trong 2018, tăng 56% so với cùng kỳ.
Tư vấn khoản vay