5 sai lầm người mua nhà lần đầu hay mắc phải

Cùng Topbank.vn điểm lại 5 sai lầm người mua nhà  hay mắc phải khi lần đầu làm chuyện ... lớn

Sai lam nguoi mua nha lan dau

 

#1 - Không đủ điều kiện vay

 

Đây là sai lầm mà anh Vân (30 tuổi, kinh doanh ở Thanh Trì – Hà Nội) mắc phải. Có trong tay khoản tiết kiệm & huy động từ gia đình khoảng 1,2 tỷ đồng; anh Vân tính toán mình sẽ vay thêm 800 triệu đồng từ ngân hàng để mua một căn nhà thổ cư. Dành rất nhiều thời gian đi tìm kiếm, cuối cùng anh Vân đã  chốt mua được một căn nhà ngõ ưng ý. Thế nhưng, lúc này anh Vân mới bắt đầu làm việc với ngân hàng thì ngã ngửa sẽ không được cho vay do công ty của anh mới hoạt động được 3 tháng, bản thân anh kinh nghiệm kinh doanh chưa nhiều. Sau đó, anh lại mất rất nhiều công sức để tìm kiếm một mảnh đất với giá trị nhỏ hơn. Rõ ràng trong tình huống này, việc tìm hiểu và liên hệ trước để kiểm tra khả năng vay vốn (qua các kênh tin cậy như các chi nhánh ngân hàng, hoặc qua tư vấn của Topbank.vn) sẽ giúp anh Vân lên được ngân sách chuẩn hơn rất nhiều và tiết kiệm được thời gian và công sức tìm kiếm bất động sản.

 

Trong một trường hợp khác, anh Tú (35 tuổi, công chức ở Vũng Tàu) gặp phải tình huống dở khóc dở cười khi tính toán sẽ vay được ngân hàng 910 triệu (tương ứng với 70% của căn nhà giá 1.3 tỷ). Tuy nhiên, sau khi đăng ký vay, căn nhà anh Tú dự định mua chỉ được ngân hàng định giá 1 tỷ và chấp thuận cho vay tối đa 700 triệu. Do chủ nhà kiên quyết không giảm giá và bản thân cũng không xoay sở thêm được tiền, anh Tú đành ngậm ngùi nhìn căn nhà ưng ý bị người khác mua mất.

 

#2 - Không tính toán phương án trả nợ

 

Kể cả bạn có đủ điều kiện vay mua nhà, một sai lầm lớn nữa mà bạn hay mắc phải đó là vay mượn quá nhiều mà không tính đến phương án trả nợ. Thông thường, bạn chỉ nên dành tối đa từ 40% đến 50% thu nhập hàng tháng cho việc trả nợ. Việc phải cắt thu nhập ra để trả lãi và gốc khoản vay nhiều hơn con số này sẽ làm bạn khó đảm bảo được cho cuộc sống gia đình và các tình huống khẩn cấp (như ốm đau, hiếu hỉ...).

Ngoài ra, các khoản vay mua nhà hiện tại trên thị trường đa số đều có lãi suất cố định trong thời gian đầu rất hấp dẫn (ví dụ như gói 3,6% cố định trong 3 tháng của Vietbank, gói 4,98% cố định trong 3 tháng của SCB). Tuy nhiên sau thời gian này, lãi suất sẽ bị điều chỉnh về mức thả nổi (lên tới 11-12%). Nếu chỉ nhìn vào con số 3,6% ban đầu, bạn sẽ quên mất khoản lãi đáng kể phát sinh sau khi hết ưu đãi và điều này ảnh hưởng đáng kể đến số tiền chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày sau khi mua nhà.

Vì vậy, lời khuyên trong trường hợp này là hãy kiểm tra lịch thanh toán cẩn thận. Bạn có thể tham khảo lịch thanh toán của các sản phẩm vay ngân hàng hiện tại đây.

 

#3 – Lựa chọn ngay lần đầu đi xem nhà

 

Đừng ngay lập tức hài lòng với căn nhà bạn đi xem. Các cảm xúc yêu thích nhất thời (như phong cách bài trí nhà, hoặc sự thân thiện của chủ nhà) sẽ ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn của bạn. Hãy cố gắng đi xem ít nhất 3-5 căn nhà trước khi đưa ra quyết định. Nếu bạn kiếm được một mối “quá hời”, bạn càng cần phải kiểm tra thật tỉ mỉ. Hãy kiểm tra từng chi tiết nhỏ như: chất liệu xây dựng, người chủ xây dựng để ở hay để bán (thường thì người xây để ở sẽ cẩn thận hơn), hướng nhà, ngõ có đủ rộng để oto vào hay không, đường xá xung quanh có hay ách tắc hay lụt lội không... Hãy thực tế và cẩn thận hết mức có thể, vì cuộc sống tương lai của gia đình bạn sẽ bị ảnh hưởng không ít.

 

#4 – Không kiểm tra giấy tờ pháp lý cẩn thận

 

Đây là một trong những sai lầm trầm trọng nhất. Sau khi bạn đã chọn được căn nhà phù hợp với các yêu cầu của mình, bạn sẽ cần đàm phán, kiểm tra giấy tờ pháp lý và ký kết hợp đồng. Hãy kiểm tra thật kỹ các vấn đề về hồ sơ của căn nhà:

  • Căn nhà đã có sổ đỏ hay chưa?
  • Người bán có phải là người đứng tên trên sổ hay được ủy quyền hợp pháp?
  • Diện tích, hình dáng đất trên sổ có trùng khớp với diện tích đo đạc thực tế?
  • Căn nhà có bị nằm trong diện quy hoạch hay không?
  • Căn nhà có đang bị tranh chấp, kiện tụng hay thế chấp hay không?

Đây rõ ràng là những câu hỏi quan trọng và sẽ khó để kiểm tra đầy đủ nếu không có kinh nghiệm chuyên môn. Một lời khuyên dành cho bạn là bạn có thể sử dụng các dịch vụ của các ngân hàng để đảm bảo an toàn cho giao dịch: ví dụ như kiểm tra giấy tờ sổ đỏ (hiện có Techcombank, MB ... có liên kết với công ty Nguyên Thực để hỗ trợ kiểm tra), hay dịch vụ chuyển tiền vào tài khoản tạm khóa và chỉ mở phong tỏa cho người bán khi giao dịch được thực hiện thành công và hợp pháp.

 

#5 – Không theo sát quá trình xây dựng (đối với nhà dự án)

 

Nếu bạn mua nhà dự án, hãy liên tục giữ liên lạc với đơn vị phát triển (chủ đầu tư) sau khi đóng tiền. Việc thi công có thể xảy ra nhiều trục trặc: như thiếu vốn, xây sai thiết kế... Gọi điện kiểm tra thường xuyên sẽ giúp bạn nắm được tiến độ xây dựng. Thậm chí, bạn có thể yêu cầu tham quan công trường và xem tiến độ thực tế mỗi cuối tuần (nếu cần thiết). Hãy làm quen và xin số điện thoại của những người mua nhà giống bạn (hàng xóm tương lai của bạn) và thành lập một cộng đồng (qua mạng xã hội như Facebook) để đảm bảo quyền lợi cho bản thân. Tiếng nói của một nhóm bao giờ cũng có sức nặng hơn rất nhiều.

Theo tin tức tổng hợp

Tư vấn khoản vay