8 dự án trọng điểm làm thay đổi diện mạo Biên Hòa

Bộ mặt Biên Hòa sẽ được thay đổi, đồng thời giải quyết cấp bách tình trạng ùn tắc, ngập nước với 8 dự án trọng điểm. Tổng vốn đầu tư để thực hiện 8 dự án này ước tính lên tới 8.200 tỷ đồng.

Tám dự án gồm: đường trục trung tâm hành chính Biên Hòa; đường nối cầu Bửu Hoa - quốc lộ 1K; tuyến đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp; dự án đường ven sông Cái; đường ven sông Đồng Nai từ cầu Hóa An đến bến đò Trạm hương lộ 2 đoạn giao quốc lộ 51 đến KĐT Long Hưng; nút giao thông ngã tư Tân Phong; dự án quy hoạch cù lao Hiệp Hòa.

 

Đột phá về giao thông

 

Trong 8 dự án, có đến 7 dự án về giao thông. Điều này phù hợp với thực trạng hiện nay của Biên Hòa. Từ một đô thị loại 2 với quy mô dân số khoảng 200.000 người, đến nay Biên Hòa đã lên đô thị loại 1 với hơn 1 triệu dân. Điều này khiến hạ tầng giao thông của Biên Hòa đang bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng ở nhiều tuyến đường trên địa bàn, đặc biệt tại các nút giao thông quan trọng.

 

Chị Phạm Thị Thìn, ngụ tại khu phố 4, phường Trảng Dài, than thở: “Hằng ngày, để tránh kẹt xe, tôi phải luồn lách qua nhiều con hẻm của phường Tân Hiệp để đi làm ở KCN Amata. Ban đầu, ít người biết đi đường tắt nên đi còn nhanh nhưng gần đây, nhiều người đi nên thỉnh thoảng trong hẻm cũng bị kẹt xe như ngoài đường chính”.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng chạy xe ôm khu vực vòng xoay Tân Phong cho biết: “Trước đây khu vực này chỉ kẹt xe ở những giờ cao điểm. Nhưng giờ đây, buổi trưa ở khu vực này cũng kẹt xe vì lượng ô tô đổ về khu vực ngã tư Tân Phong quá nhiều”.

 

Theo Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, ông Phạm Anh Dũng, dự kiến đầu năm 2017, thành phố sẽ khởi công xây dựng hai dự án ở hai khu vực trên. Dự kiến, trong năm 2017, cũng sẽ được triển khai dự án nối cầu Bửu Hòa với quốc lộ 1K do Công ty CP Tuấn Lộc (Tp.HCM) đề xuất đầu tư.

 

Nút giao thông ngã tư Tân Phong sẽ có hầm chui dài 430 m, đường dẫn

hai đầu hầm là 150m,. Dự án có tổng vốn đầu tư là 260 tỷ đồng (Ảnh: TD)

 

Tạo vốn từ việc khai thác đất vàng

 

Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Lục Hòa cho biết, để triển khai toàn bộ tám dự án trên, dự kiến sẽ cần 8.200 tỷ đồng.

 

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, ông Lý Thành Phương, để tạo vốn, hầu hết các dự án trọng điểm trên đều cho khai thác quỹ đất vàng hai bên đường. Ngân sách địa phương sẽ ít phải dùng đến do nguồn vốn khai thác từ các quỹ đất trên đều bằng hoặc cao hơn vốn đầu tư các dự án. Chẳng hạn, dự án đường ven sông Cái với chiều dài tuyến đường 4,6km, quy mô 4 làn ô tô có tổng mức đầu tư là 3.070 tỷ đồng. Nhưng theo dự kiến, đất thu hồi để tạo vốn là 88 ha với giá trị lên đến khoảng 3.424 tỷ đồng. Hay vốn đầu tư dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến bến đò Trạm) dài 3,7km là 960 tỷ đồng. Nhưng tổng giá trị các khu đất tạo vốn bên đường là hơn 1.000 tỷ đồng.

 

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, ông Trịnh Tuấn Liêm cho biết, đang yêu cầu TP. Biên Hòa rà soát và điều chỉnh quy hoạch phù hợp với yêu cầu để đẩy nhanh các dự án trọng điểm. Đặc biệt là quy hoạch các khu đất có giá trị nằm ven các tuyến đường giao thông trọng điểm để mời các nhà đầu tư có năng lực đấu giá các mảnh đất vàng tạo vốn, trả tiền vay cho các dự án.

 

Theo Bất động sản

Tư vấn khoản vay