Như bao nhiêu người dân tỉnh lẻ khác, anh Nguyễn Thành Công (ngụ tại Bình Chuẩn, tỉnh Bình Dương) lên thành phố trọ học, đi làm và lập gia đình đã hơn 5 năm. Với thu nhập hai vợ chồng gần 20 triệu đồng/tháng, lại phải nuôi con nhỏ nên mãi sau 5 năm vợ chồng anh Công mới dám nghĩ đến chuyện mua nhà. Cầm số tiền gần 600 triệu đồng trong tay, hai vợ chồng anh mất gần ba tháng trời để có thể tìm được căn nhà hiện nay, chung sổ với một căn khác và cũng là chủ nhà.
"Biết là sẽ bất tiện khi muốn bán lại, muốn thế chấp để vay vốn làm ăn cũng khó khăn nhưng với số tiền có hạn nên mình chấp nhận. Hai đứa con đứa lớp 4 đứa vào mẫu giáo, chúng cần một nơi ở ổn định để còn yên tâm học hành", anh Công chia sẻ.
Cũng là dân ngoại tỉnh lên thành phố lập nghiệp, anh Quốc Dung ngụ quận 9 cho biết, anh cùng vợ lên thành phố lập nghiệp, tích cóp được một ít vốn để mua nhà. "Cũng đôi lần mình tìm mua chung cư rồi trả góp dần nhưng tìm dự án phù hợp cũng rất khó. Dự án giá phù hợp thì ở xa nơi làm việc của mình và trường học của con, còn dự án gần hơn một chút thì giá gần như ngoài tầm với", anh Dung lý giải động cơ tìm nhà giá rẻ của mình.
Chị Hạnh đang sinh sống tại quận 12 cho biết khi mua căn nhà đầu tiên vợ chồng chị đã phải bán hết số vàng cưới, cộng với tất cả tiền tiết kiệm của hai vợ chồng dành dụm được sau 4 năm kết hôn mới đủ mua một căn nhà chỉ 30m2, không sổ mà chỉ có giấy mua bán viết tay. Dù diện tích không lớn, lại không có giấy tờ đầy đủ nhưng mình cần “an cư để lạc nghiệp” nên vẫn quyết định mua. Sau 7 năm kể từ khi mua căn nhà đầu tiên, đến nay vợ chồng chị vừa đổi được một căn khác với diện tích gấp đôi, lại gần chỗ làm hơn.
Những trường hợp nói trên không phải là cá biệt, điểm chung giữa họ và mong ước và một chốn an cư của riêng mình và sẵn sàng mua để có nhà ở dù nhà ở có xa chỗ làm, dù diện tích nhà chỉ rộng hơn căn phòng trọ một chút nhưng vẫn có cảm giác nó là của mình để yên tâm sinh sống và làm việc.
Dù nhu cầu về nhà ở giá rẻ rất lớn nhưng theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Savills Hà Nội nguồn cung phân khúc này hiện nay còn đang rất hạn chế cả về chất và lượng. Vì chi phí giá đất ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội cao và chủ đầu tư dự án phải rất khó khăn để cân bằng các yếu tố về vị trí dự án, tiện ích nội khu cơ bản dù cho dự án có giá thấp.
Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản phê duyệt đề xuất xây dựng căn hộ 25m2 của một doanh nghiệp tại TP.HCM. Động thái này được coi là một định hướng mới của các cơ quan quản lý nhà nước đối với quy định về diện tích tối thiểu của căn hộ chung cư thương mại, khi Luật Nhà ở năm 2005 có quy định diện tích này là 45m2 nhưng Luật Nhà ở sửa đổi năm 2014 bỏ ngỏ vấn đề này. Giảm diện tích căn hộ cũng là một xu hướng tại các dự án chung cư nhằm tăng tính thanh khoản, vì vậy từ phương diện chủ đầu tư đây là một chuyển biến đáng mừng trong chính sách.
Việc Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ diện tích 25m2 có thể được coi là tín hiệu đáng mừng cho cả người mua nhà thu nhập thấp và chủ đầu tư. Đây có lẽ là giải pháp cho nhà thương mại giá rẻ mà thị trường vẫn tìm kiếm bấy lâu, tạo điều kiện cho nguồn cung phát triển bắt kịp với nguồn cầu.
Tuy vậy, theo bà Hằng, để đưa căn hộ 25m2 đi vào thực tiễn một các thành công, các cơ quan nhà nước cần có cái nhìn tổng quan khi đưa ra những quy định và hướng dẫn cụ thể trong quy hoạch, thiết kế và xây dựng các dự án có căn hộ diện tích siêu nhỏ. Các doanh nghiệp tham gia vào thị trường căn hộ siêu nhỏ cũng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để vận hành và quản lý hiệu quả dự án. Có như vậy thì mới đảm bảo được chất lượng cuộc sống của cư dân tại các dự án này, tránh gây sức ép đáng kể lên hạ tầng giao thông và các tiện ích công cộng của thành phố, đồng thời giữ gìn hình ảnh và quy hoạch của đô thị.
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020