Bài toán khiến các tổ chức tín dụng phải đau đầu tìm lời giải

Vài năm trở lại đây, nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, tuy nhiên đi kèm với sự phát triển đó là không ít rủi ro. Xử lý như thế nào khi xảy ra những tranh chấp trong cho vay tiêu dùng luôn là bài toán khiến các công ty tài chính, tổ chức tín dụng đau đầu tìm lời giải.

 

Bai toan tin dung

 

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

 

Cho vay tiêu dùng là hình thức phổ biến đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, hoạt động này cũng đang dần được đẩy mạnh thông qua đa dạng sản phẩm của các ngân hàng thương mại và công ty tài chính (CTTC) cung ứng ra thị trường như: Hỗ trợ cho vay mua nhà, mua ô tô, điện thoại, xe máy hay mua các đồ gia dụng, khám chữa bệnh…

Tuy nhiên, kèm với sự nở rộ đó là không ít rủi ro. Thực tế, hiện nay các CTTC, tổ chức tín dụng cũng đang vấp phải không ít tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến cho vay tiêu dùng, thậm chí có nguy cơ mất vốn khi người vay không còn khả năng trả nợ.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trước đây, anh có vay một khoản tiền của công ty tài chính để mua ô tô. Trong 3 tháng đầu, anh đều trả tiền lãi đúng hạn. Tuy nhiên sau đó do làm ăn thua lỗ, công ty phá sản giải thể, anh phải bán ô tô để trả nợ và trả lương cho nhân viên. “Tôi vẫn nhớ khoản nợ vay tiêu dùng nhưng khủng hoảng tài chính ập đến, tôi chưa biết phải xoay sở ra sao. Nói thật, đến nay tôi vẫn chưa biết làm thế nào để trả nốt số nợ vay tiêu dùng còn lại cho CTTC”, anh Hùng nói.

Cũng giống trường hợp anh Hùng, chị Trần Thị Thảo (Nam Trực, Nam Định) rơi vào tình cảnh nợ chồng nợ khi bị thất nghiệp. Trước đây, khi đang còn là nhân viên hợp đồng với mức lương 6 triệu đồng/tháng, chị có vay một khoản vay tiêu dùng. Hàng tháng, tiền trả lãi và gốc được trích xuất từ tài khoản lương này, tuy nhiên, kể từ khi bị chấm dứt hợp đồng, khó khăn bủa vây, chị không còn khả năng trả nợ.

 

Xử lý tranh chấp như thế nào?

 

Các CTTC sẽ phải xử lý như thế nào với các tình huống trên, để nợ xấu hay chấp nhận mất vốn với khách hàng không đủ khả năng chi trả? Và việc xử lý tranh chấp cho vay tiêu dùng được giải quyết ra sao?

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đăng Tư, Văn phòng Luật sư TriLaw (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, các tranh chấp cho vay tiêu dùng sẽ được giải quyết theo các quy định của pháp luật và chủ yếu căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng cho vay.

Theo luật sư Tư, cho vay tiêu dùng cũng như các loại giao dịch dân sự khác đều áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết chứ chưa có chế tài riêng, do đó các CTTC, tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng còn gặp nhiều rủi ro.

“Trong trường hợp đến hạn thanh toán mà người vay không trả được nợ thì nợ vẫn còn đó và tiền lãi do chậm thanh toán nợ quá hạn sẽ được căn cứ theo hợp đồng trên thời gian chậm trả. Khi người tiêu dùng không thanh toán nợ quá hạnthì họ sẽ bị đưa vào danh sách khách hàng có nợ xấu, khi đó, họ sẽ rất khó đểcó thể vay ở các CTTC, tổ chức tín dụng khác”, luật sư Tư khẳng định.

Luật sư Tư cũng cho biết, đa số các hợp đồng cho vay tiêu dùng đều làm rất chặt chẽ, tuy nhiên, do đây là vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo nên các CTTC, tổ chức tín dụng buộc phải chấp nhận rủi ro khi người vay không còn khả năng tất toán.

 

Vai trò của tòa án còn hạn chế

 

“Vay tiêu dùng ở Việt Nam đa số là vay tín chấp, giá trị không lớn nên khi xảy ra các tranh chấp như người vay không trả tiền hoặc không trả lại vật đặc định như thỏa thuận thì đa số các CTTC, tổ chức tín dụng sẽ sử dụng các biện pháp ngoài tố tụng để thu hồi khoản vay, họ rất ít khi tìm tòa án để giải quyết tranh chấp”, luật sư Tư cho biết.

Theo luật sư Tư, vai trò của tòa án trong xử lý tranh chấp cho vay tiêu dùng hiện còn hạn chế. Giá trị các vụ tranh chấp không lớn, trong khi thủ tục giải quyết tại tòa án lại rất tốn kém về thời gian và tiền bạc, cho nên các tổ chức tín dụng thường không lựa chọn phương án tố tụng tòa án để giải quyết tranh chấp.

Hiện nay, khung pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn chưa phù hợp. Cụ thể, không có hình phạt nào đối với việc người vay không trả được nợ. Nhiều CTTC cũng phải chấp nhận rủi ro và “bó tay”, khi khách hàng không trả hoặc không còn khả năng trả nợ.

Có thể thấy, việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng cho vay tiêu dùng, vay tín chấp vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, hoặc chưa phù hợp với thực tế. Do đó, các TCTC, tín dụng cần có biện pháp khác hiệu quả hơn nhằm hạn chế tối đa rủi ro khi cho vay tiêu dùng.

Minh Quân

Theo Trí thức trẻ

Tư vấn khoản vay