Đang là giám đốc chi nhánh một công ty công nghệ, nhưng anh Nguyễn Hữu Thuận vẫn nghỉ việc, thậm chí bán cả mảnh đất ở Sài Gòn để theo đuổi đam mê với loại nông sản đặc biệt này.
Làm việc cho một công ty công nghệ TP HCM, sau đó chuyển sang làm giám đốc chi nhánh ở Cần Thơ với mức lương tốt, nhưng đam mê làm chủ luôn thôi thúc Nguyễn Hữu Thuận. Cũng chính vì mê làm nông nghiệp, nên ngay khi còn đang làm việc cho công ty công nghệ, anh vẫn dành ra một số vốn nhỏ để làm dự án rau mầm. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên dự án không thành công. Cuối năm 2013, sau thất bại với rau mầm, anh Thuận được người bạn cho một ít hạt giống khổ qua rừng gieo thử thì thấy hiệu quả khá tốt.
“Lúc ấy tôi chỉ trồng để ăn thôi, nhưng khi thấy dây khổ qua rừng lên tươi tốt, cho nhiều trái thì bắt đầu hứng thú với cây trồng này. Tôi tìm kiếm thông tin thì thấy khổ qua rừng có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, trong khi đó nguồn cung không nhiều. Bán thử nghiệm thì người tiêu dùng khá ưa chuộng. Để có thêm kinh nghiệm, tôi tìm đến tham quan mô hình trồng khổ qua rừng ở Đồng Nai thấy khá hiệu quả và quyết định mua hạt giống tại đây để nhân rộng”, anh Thuận bộc bạch.
|
Không chỉ làm trà bằng trái khổ qua mà anh Thuận còn tận dụng cả dây và lá để làm trà túi lọc. Ảnh: NVCC. |
Đến tháng 4/2015, anh Thuận quyết định nghỉ việc, thuê 1ha đất ở Cần Thơ trồng khổ qua rừng với số vốn ban đầu là 200 triệu đồng. Thời gian đầu cây cho trái khá tốt, sản phẩm thường được bán tại TP HCM và Cần Thơ. Tuy nhiên, vì đánh giá sai thị trường Cần Thơ, lại trồng đại trà với diện tích lớn nên thu hoạch không kịp khiến hàng làm ra tiêu thụ không hết dẫn đến thua lỗ.
“Nhu cầu thị trường Sài Gòn lúc ấy mỗi ngày 100-200kg, còn Cần Thơ chỉ vài chục kg, trong khi đó một ha của tôi thu hoạch 500kg đến 1 tấn một ngày nên hàng bán không kịp”, anh Thuận giải thích.
Mặc dù thua lỗ nhưng anh Thuận vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục trồng vụ tiếp theo với phương án trồng cuốn chiếu và chia quy mô trồng ra làm nhiều đợt để dễ thu hoạch và đáp ứng nhu cầu. Để có vốn đầu tư, anh đành phải bán mảnh đất tại TP HCM và mượn thêm bạn bè, gia đình.
Vụ này, với mong muốn cây trồng phát triển tốt anh Thuận sử dụng phân bón hóa học để bón, tuy nhiên, chúng không phát triển mà lại bị hỏng và tiếp tục lỗ. Sang đến vụ thứ 3 anh quyết định không bón bất cứ loại phân gì và áp dụng kỹ thuật trồng khổ qua rừng theo hướng hữu cơ, với mục đích mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch đúng nghĩa. Thế nhưng, sản lượng sau thu hoạch lại rất thấp trong khi tốn khá nhiều chi phí và công sức. Mặt khác, sau khi chuyển hướng sang hữu cơ, anh phát hiện ra, nếu thu hoạch quả, cây sẽ nhanh chết, nhưng bù lại lá khổ qua rừng làm trà có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị tiểu đường, cao huyết áp, bệnh gout, giảm mỡ máu...
|
Thay vì sử dụng phân hữu cơ anh Thuận dùng phân trùn quế trộn với tro, trấu để nuôi cây. |
“Thấy được công dụng và phát hiện ra rằng nếu trồng khổ qua rừng mà lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì công dụng sẽ giảm đi rất nhiều, còn trồng theo hướng hữu cơ sẽ giữ nguyên được chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, nếu thiếu phân bón, cây sẽ kém phát triển và năng suất thấp. Qua tìm hiểu tôi phát hiện ra, nuôi trùn quế dùng phân của chúng trộn với tro, trấu, xơ dừa để bón cho cây rất tốt nên tôi quyết định dành ra một diện tích nhỏ để nuôi trùn quế”, anh Thuận nói và cho biết, để phòng trừ các loài ruồi đục trái, sâu ăn lá… anh áp dụng phương pháp phun tỏi pha với rượu, treo long não lên cây. Nhờ thế, cây không những phát triển tốt mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Với việc áp dụng hình thức trồng cuốn chiếu. Trung bình một công đất (3.000-4.000m2) anh trồng 2.000 dây khổ qua rừng, mỗi tháng thu hoạch khoảng 300kg trái. Ngoài ra, anh còn dùng lá, dây để sản xuất ra trà dây và trà túi lọc với thương hiệu Thuận Lộc. Anh luôn canh thời gian sinh trưởng của cây để đợt này tàn thì đã có đợt mới. Hiện giá trà trái khổ qua thành phẩm được anh bán 600.000 đồng một kg, còn trà túi lọc 650.000 đồng một kg. Ngoài bán tại Cần Thơ, TP HCM, anh còn tham gia bán hàng tại phiên chợ xanh tử tế do Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
“Cho tới giờ mặc dù chưa lấy lại vốn nhưng mọi thứ đã đi vào ổn định, cơ sở của tôi cũng đang có một vài đơn vị muốn hợp tác đầu tư. Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng và làm thêm nhà lưới để bảo vệ cây tốt hơn. Đồng thời, mong muốn lớn nhất của tôi là sản phẩm sẽ được xuất khẩu ra các nước Đông Nam Á”, anh Thuận chia sẻ.
Hồng Châu
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020