Bộ KHĐT: Doanh nghiệp nhiều nhưng quy mô quá nhỏ, khó ứng dụng KHCN

Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu giá trị trong nước, tận dụng được lợi thế, cơ hội của hội nhập.

 

 

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện Việt Nam có trên 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, số doanh nghiệp có hơn 300 lao động chỉ chiếm 2,4%; Số doanh nghiệp có ít hơn 10 lao động lại chiếm tới hơn một nửa. Chính vì số lượng doanh nghiệp quá nhiều nhưng quy mô lại quá nhỏ khiến việc áp dụng khoa học công nghệ vào việc sản xuất của doanh nghiệp rất khó khăn. Trong khi để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển được, thì việc tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật là bắt buộc.Hiện nay, mặc dù Chính phủ đã quan tâm, có những cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa cải thiện đáng kể.

 

Theo TS. Yoichi Sakurada, Viện Nghiên cứu Mitsubishi, các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là tương đối đầy đủ, tuy nhiên, việc thực hiện và giám sát hiệu quả của chính sách còn hạn chế. Cụ thể là Việt Nam có nhiều đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trung ương đến địa phương, tuy nhiên, việc hỗ trợ chủ yếu ở phần thủ tục hành chính, còn hai yếu tố quan trọng nhất là vốn và công nghệ thì rất hạn chế.

 

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, bên cạnh việc hệ thống doanh nghiệp của ta còn rời rạc, thiếu tính liên kết, để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, năng lực tư vấn của cơ quan chức năng cho doanh nghiệp cần phải nâng cao.

 

 

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

 

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, Việt Nam đã ra nhiều chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian tới, Việt Nam bắt buộc phải đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, nếu không sẽ không đáp ứng được yêu cầu giá trị trong nước, xuất xứ của sản phẩm để tận dụng được lợi thế, cơ hội của hội nhập TPP, EU...

Tư vấn khoản vay