Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên 12%

Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo hai phương án. Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Đây là thông tin đáng chú ý được Bộ Tài chính đưa ra trong báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế Tài nguyên.

Bộ Tài chính cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều quốc gia kể cả các nước phát triển có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.

 

thuế suất dự kiến tăng

 

Cụ thể, tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (TNDN và TNCN), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (GTGT và TTĐB).

Số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hoá và dịch vụ ngày càng tăng, nếu như năm 2004 là 140 nước thì đến năm 2014, 2016 các con số tương ứng lần lượt là 160 và 166 nước.

 

Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách thì xu thế tăng thuế suất GTGT cũng diễn ra phố biến.

 

Theo đó, các nước đều đã tăng thuế suất phổ thông từ năm 2009 – 2016. Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19% nhưng đến năm 2014 đã tăng lên gần 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016. Các nước ở châu Á cũng không ngoại lệ khi nhiều nước như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản... đã cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT.

Dẫn ra số liệu từ World Bank, Bộ Tài chính cho biết qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12 – 25%. Trong đó có 56 nước có mức thuế suất từ 17 – 25%, còn lại 24 nước phố biến ở mức hơn 10%.

 

Đối với các nước xung quanh Việt Nam, Bộ Tài chính cũng chỉ rõ thuế phổ thông đang cao hơn 10%. Cụ thể, ở Lào, Indonesia, Campuchia mức thuế phổ thông là 17%, mức thuế ưu đãi là 13% còn ở Philippines mức thuế suất là 15%.

 

Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo hai phương án:

Phương án 1: Tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019

Phương án 2: Tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2018 và 14% từ ngày 1/1/2021

Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra bốn nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bao gồm:

-Chuyến phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT.

-Bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT.

-Bỏ quy định “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” không chịu thuế GTGT. Đồng thời bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 1/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT

-Quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới hai mươi triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng.

 

Theo Cafef

Tư vấn khoản vay