Bỏ trần lãi suất phải chịu phá sản ngân hàng

Bỏ trần lãi suất lại một lần nữa nóng lên khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động tại phiên họp thường kỳ quý III của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần phải đánh giá tác động trước khi áp dụng và muốn dỡ bỏ trần lãi suất phải đi kèm với điều kiện cho phép phá sản NH.

Cần quản lý bằng công cụ chính sách

Trao đổi với ĐTTC, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết Việt Nam cần phải hướng tới xu hướng quản lý thị trường tiền tệ thông qua các công cụ chính sách, bớt đi biện pháp hành chính, trong đó đầu tiên là nghiên cứu bỏ trần lãi suất.

Trong tương lai, Việt Nam nên tính toán đủ điều kiện dỡ bỏ trần lãi suất huy động, NHNN điều tiết lãi suất thông qua thị trường liên NH, trong đó lãi suất liên NH qua đêm có thể xem là lãi suất chủ chốt. NHNN tác động qua hoạt động của thị trường mở, mua ra bán vào trái phiếu, tín phiếu để tác động đến lãi suất mục tiêu đề ra.

Trước đây, NHNN đặt ra trần lãi suất trong thời điểm các NH chạy đua huy động đẩy lãi suất tăng cao. Hiện tại, thanh khoản của hệ thống NHTM tương đối tốt, 4 NHTM lớn lại giảm lãi suất huy động nên có thể xem xét, nghiên cứu bỏ trần lãi suất huy động. Khi bỏ trần lãi suất, nếu các NH nhỏ duy trì lãi suất cao chứng tỏ NH đó đang yếu kém. Theo TS. Trần Du Lịch, cách đây mấy năm khi đặt vấn đề đã có nhiều ý kiến không đồng tình, nhưng hiện nay là tình thế cần phải làm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, dự báo khi bỏ trần huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất sẽ tăng lên trong khoảng từ 3-6 tháng. Vì hiện tại một số NH đang khát vốn, khi bỏ trần lãi suất, các hình thức cạnh tranh huy động vốn như chăm sóc khách hàng, chi ngoài chi trong, chương trình khuyến mại sẽ được thay thế bằng lãi suất chính thức.

Lãi suất huy động tăng có thể sẽ kéo lãi suất cho vay tăng. Với diễn biến đó, có thể nói mặt bằng lãi suất sẽ bị tác động tiêu cực. Nhưng điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, sau đó lãi suất sẽ ổn định trở lại, về mức cân bằng giữa cung và cầu. Khi dỡ bỏ trần lãi suất, NHNN có thể điều tiết thị trường bằng các công cụ của chính sách tiền tệ như dự trữ bắt buộc, lãi suất qua đêm, lãi suất tái chiết khấu… để tác động vào thị trường lãi suất để tiến vào lãi suất mục tiêu đặt ra tương tự như Hoa Kỳ.

Ở Hoa Kỳ, mặc dù trần lãi suất đã được dỡ bỏ nhưng thị trường lãi suất cũng không thả nổi hoàn toàn mà được điều tiết bởi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED). FED có 12 chi nhánh ở các thành phố khác nhau của Hoa Kỳ. Hệ thống này có Hội đồng Thị trường mở (FOMC), mỗi năm họp 8 lần và mỗi lần họp sẽ định lãi suất mục tiêu, chẳng hạn 0,25%. FED không áp trần lãi suất vào thị trường mà dùng những công cụ của chính sách tiền tệ, trong đó có hoạt động trên thị trường mở OMO. FED sẽ tiến hành mua bán trên OMO để lãi suất tiến dần đến lãi suất mục tiêu, tức họ dùng cơ chế thị trường để tác động đến thị trường lãi suất và đẩy thị trường lãi suất về lãi suất mục tiêu, chứ không ấn định lãi suất trực tiếp, điều tiết lãi suất bằng công cụ chính sách tiền tệ.

Cho phá sản để chặn chạy đua lãi suất

Tuy nhiên, dù ủng hộ việc dỡ bỏ trần lãi suất vì ấn định trần huy động là không hợp lý và điều kiện cũng cho phép thực hiện, nhưng TS. Trần Du Lịch lưu ý việc này không thể áp dụng ngay được. NHNN phải nghiên cứu đánh giá tác động của việc dỡ bỏ trần lãi suất, tác động khi bỏ đi một biện pháp hành chính để đi vào cơ chế thị trường, kể cả đầu ra đầu vào trong vài tháng và có thể áp dụng vào năm tới.

Một số ý kiến đưa ra gần đây cũng khuyến cáo Việt Nam nên hướng tới việc thả nổi lãi suất huy động và giới hạn trần lãi suất cho vay theo thông lệ chung, nhưng khi tự do hóa lãi suất cần phải thận trọng theo dõi thị trường vì điều này ít nhiều sẽ có tác động đến lạm phát, đồng thời gây ra tình trạng chạy đua lãi suất xuất phát từ các NH nhỏ yếu thanh khoản.

Trong khi đó, bình luận về điều kiện dỡ bỏ trần lãi suất của Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đối với việc dỡ bỏ trần lãi suất, chúng ta chỉ mới có điều kiện cần là lạm phát đang ở mức thấp, thanh khoản trên thị trường tương đối dồi dào, nhưng vẫn chưa có điều kiện đủ. Bởi sau bỏ trần, lãi suất tăng lên trong vòng vài tháng và chỉ trở về mức cân bằng nếu cho các NH phá sản.

Nhìn vào kinh nghiệm của Hoa Kỳ, năm 1980 việc dỡ bỏ trần lãi suất cũng làm xảy ra những biến động trên thị trường NH, nhiều NH bị phá sản, nhưng từ đó đến nay thị trường lãi suất của Hoa Kỳ đã rất ổn định, luôn xoay quanh một mức lãi suất rất thấp do FED dùng công cụ chính sách tiền tệ tác động đến lãi suất mục tiêu.

Còn ở Việt Nam, hiện tại NH nào cũng như nhau không có rủi ro, NH yếu kém sẽ được NHNN đứng ra ứng cứu. Khi không còn trần lãi suất, NH nào có lãi suất cao, người dân sẽ gửi tiền vào dễ dẫn đến cạnh tranh lãi suất. Nếu đặt trong bối cảnh NH có thể bị phá sản, NH nào đẩy lãi suất lên cao, người dân sẽ xem xét có nên gửi tiền vào NH đó không vì NH đẩy lãi suất lên cao có nghĩa đang gặp khó khăn về thanh khoản. Chính vì vậy, muốn dỡ bỏ trần lãi suất phải đi kèm với điều kiện cho phép phá sản NH, lúc bấy giờ quy luật cung cầu mới vận hành được, còn hiện tại kinh tế thị trường của Việt Nam đang vận hành một cách méo mó vì không cho NH phá sản.

 

 

Theo Yên Lam - Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Tư vấn khoản vay