Chuyện ông lão đánh cá và con cá mập

Sẽ không còn là mảnh ao làng với vài ba con cá, sắp tới đây khi thị trường vươn ra biển lớn với hàng triệu con cá mập, với các tổ chức nước ngoài và dòng vốn khổng lồ, sẽ vừa là thách thức vừa là cơ hội.

“Ngày xửa ngày xưa, có một ông lão đánh cá lênh đênh trên biển, bất ngờ câu được một con cá mập. Con cá mập van xin ông lão tha mạng: “Ta không phải là cá mập thường, ta là cá mập chứng khoán, nếu ông tha cho ta, ta sẽ chỉ cho ông cách làm giàu”. Ông lão bán tín bán nghi, nhưng vẫn thả cá mập xuống biển. Về nhà bàn với vợ về cách làm giàu mà cá mập mách bảo. Vợ chồng ông lão đã bán hết nhà cửa để mua chứng khoán theo lời cá mập. Một lần thắng, bà lão lại muốn nhiều hơn. Đến lần thứ n, hai ông bà quyết dốc hết tài sản mua theo lời cá mập. Nhưng đời chẳng như là mơ, cổ phiếu tạo đỉnh và lao dốc không phanh. Công ty chứng khoán margin call khoản vay của ông lão. Cuối cùng, vì tin lời cá mập mà ông lão và bà lão mất trắng, lại quay về cái máng lợn và căn nhà cũ xiêu vẹo trước đây.”

 

 

Đó chỉ là một vở kịch trong đêm tiệc gala của một công ty chứng khoán vào tháng trước. Nhưng thông điệp nó mang lại cho người xem quá nhiều điều để suy ngẫm.

 

Ở thời điểm hiện tại, số tài khoản chứng khoán trên cả nước chỉ đạt trên 1,7 triệu tài khoản, trong đó tài khoản của tổ chức khoảng trên 7.500 tài khoản. Con số này nếu tính trên quy mô dân số trên 90 triệu dân vẫn là quá nhỏ bé. Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại khoảng 50% GDP trong khi các nước láng giềng như Singapore (115%), Nhật Bản 146% GDP…Quy mô nhỏ bé của thị trường chứng khoán đã khiến ngân hàng vẫn phải cõng trên lưng trách nhiệm cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế.

 

Đâu đó vẫn có những câu chuyện kể trên thị trường chứng khoán “anh A mua chứng khoán lãi lắm”, “anh B bỏ vốn mấy trăm triệu mà giờ có mấy chục tỷ”…Nhưng những “anh A, anh B” đó đếm được bao nhiêu trên đầu ngón tay. Cơn sóng thần cách đây đúng 10 năm trên thị trường chứng khoán, kéo theo chỉ số VN-Index chạm mốc lịch sử 1.170 điểm, đến giờ vẫn chưa quay trở lại. Thời điểm đó khi nhà nhà kéo nhau đi đầu tư chứng khoán, thì sau cơn sóng thần đó là thời kỳ 2008, 2009 đau thương khi thị trường gần như rơi tự do, có nhà đầu tư mất sạch tài sản, mất tiền lãi mất luôn cả vốn.

 

Tất nhiên đến thời điểm hiện tại quản trị rủi ro của các nhà đầu tư đã bắt đầu nâng cao dần, không còn quá nhiều cảnh thị trường rơi thẳng đứng trong một thời gian dài vì đã có dòng tiền lớn từ các quỹ đầu tư mua vào đỡ. Nhưng các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang loay hoay tìm lợi nhuận giữa một biển cả mênh mông thông tin không biết đâu mà lần.

 

Đại hội cổ đông của ngân hàng có rất nhiều nhà đầu tư lớn tuổi, tóc đã bạc trắng, thậm chí phát biểu cũng khó khăn. Khi người viết hỏi sao cụ không gửi tiết kiệm cho an nhàn, nhà đầu tư này cho rằng, ông đã nghiên cứu thị trường chứng khoán từ lâu và chỉ chọn đầu tư vào các ngân hàng hoặc các công ty có tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt cao, tỷ suất sinh lời sẽ cao hơn gửi tiết kiệm. Nhưng đúng là ông cũng thua lỗ nhiều, và đôi khi gặp phải một số doanh nghiệp chây ỳ không chịu trả cổ tức, hoặc chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu. Nên những kỳ họp ĐHCĐ như thế này, ông phải đi bằng được, để phát biểu với vị chủ tịch rằng, ông hãy trả cổ tức cao lên, cho những cổ đông như ông được an lòng!

 

Nhu cầu đầu tư, nhu cầu được làm giàu của người dân là có thật. Nhưng làm thế nào để huy động nguồn lực từ dân cư vào chứng khoán vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Người dân muốn làm giàu, nhưng cũng sợ mất tiền, sợ đội lái và thực sự là họ chưa tin.

 

Một số liệu của Ngân hàng nhà nước cho thấy, tiền gửi của dân cư ở thời điểm cuối năm 2016 đạt khoảng gần 3,49 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 17,4% so với cuối năm trước. Giai đoạn 2010-2017, bình quân mỗi năm tăng trưởng huy động đều ở mức hai con số. Điều này cho thấy dân vẫn chọn gửi tiết kiệm hơn là mang tiền đi đầu tư. Số tiền này tương đương khoảng 153 tỷ USD, gấp rưỡi quy mô toàn thị trường chứng khoán cộng lại.

 

Tháng 5 này, dự kiến người đứng đầu Ủy ban chứng khoán ông Vũ Bằng đến tuổi nghỉ hưu. Chưa có quyết định chính thức của Bộ Tài chính về người kế nhiệm, nhưng người kế nhiệm sắp tới sẽ có rất nhiều việc để làm.

 

Tháng 6 tới đây thị trường chứng khoán phái sinh bắt đầu đi vào hoạt động. Một sản phẩm cấp cao hơn ra đời, nghĩa là nhà đầu tư cũng phải tự nâng cấp lên một bậc cao hơn. Sẽ không còn là mảnh ao làng với vài ba con cá, sắp tới đây khi thị trường vươn ra biển lớn với hàng triệu con cá mập, với các tổ chức nước ngoài và dòng vốn khổng lồ, sẽ vừa là thách thức vừa là cơ hội. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ, hay như nhà đầu tư già ở ngân hàng kia, cần có những nhà tư vấn chuyên nghiệp, như các quỹ hưu trí, hay các nhà quản lý quỹ, để họ không cảm thấy “sợ” thị trường chứng khoán, mà an tâm bỏ tiền đầu tư. Như thay vì phải tự đầu tư, họ có thể mua chứng chỉ quỹ hoặc ủy thác toàn bộ.

 

Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn, nhưng liệu chúng ta có nắm bắt được nó hay không? Điều này cần sự vận động của cả nền kinh tế. Từ học thức của nhà đầu tư, sự chuyên nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính đến độ minh bạch của doanh nghiệp và sự quản lý sát sao của lãnh đạo các Sở giao dịch và UBCK.

 

Theo NDH
Từ khóa nổi bật
chứng khoán đầu tư chứng khoán

Tư vấn khoản vay