Dân Hà Nội “quay lưng” với nhà tái định cư, gần 400 căn hộ không người nhận

 Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo danh sách 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư trên địa bàn thủ đô nhưng chưa liên hệ với Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở ký hợp đồng mua bán nhà, cũng chưa nộp tiền và nhận nhà.

>>> Xem thêm: Nhà ở xã hội cũng phải bán cắt lỗ 

 

Trong đó, có 44 hộ ở nhà N01 – 7A Lê Đức Thọ; 28 hộ ở nhà N02 – 5A Lê Đức Thọ; 14 hộ ở nhà NO26A Bắc Đại Kim; 44 hộ ở nhà OCT Bắc Linh Đàm; 58 hộ ở nhà CTI.1-1A Vĩnh Hoàng, 34 hộ ở nhà CTI.1-1B Vĩnh Hoàng; 14 hộ ở nhà CT3 ao Hoàng Cầu và 136 hộ ở các nhà A14A1, A14A2, A14B2 Nam Trung Yên.

 

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm thông báo chính thức được đăng tải (13-8-2018), những hộ dân có tên trong danh sách vẫn không liên hệ với Ban Quản lý để hoàn tất thủ tục mua nhà sẽ được tổng hợp để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

 

Việc “quay lưng” với nhà tái định cư không chỉ xảy ra tại riêng Hà Nội mà còn là vấn đề của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Vấn đề này tưởng chừng nghịch lý khi dân có nhà mà không nhận song đều bắt nguồn từ nhiều nguyên do.

 

Theo thống kê của ngành chức năng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 166 tòa nhà tái định cư với khoảng 14.000 căn hộ đã hoàn thành.

 

Tuy nhiên thời gian qua, việc quản lý, sử dụng và vận hành nhà tái định cư đã tồn tại nhiều bất cập. Chất lượng nhiều công trình tái định cư không đảm bảo, dẫn đến xây dựng một thời gian ngắn thì xảy ra tình trạng sụt lún, nứt nẻ, hệ thống PCCC có cũng như không; chất lượng duy tu, bảo dưỡng công trình cũng yếu kém, nhiều căn hộ, diện tích tầng 1 bị sang nhượng, sử dụng trái quy định, hệ thống hạ tầng không đồng bộ, nhiều khu nhà tái định cư được xây dựng tại khu vực hẻo lánh, thậm chí chưa có đường đi...

 

khu nhà tái định cư không người nhận tại Hà Nội

 

Toà nhà NO1 – 7A Lê Đức Thọ có 44 căn hộ chưa có người dân đến nhận.

 

Những thực trạng trên có thể tìm thấy ở các khu tái định cư Trung Hoà – Nhân Chính (Thanh Xuân), khu tái định cư Thành phố giao lưu (Bắc Từ Liêm), khu tái định cư Đồng Tàu, Đền Lừ (Hoàng Mai)…

 

Đó là những lý do vì sao người dân không mặn mà với nhà tái định cư, dẫn đến tình trạng nhiều căn nhà bị bỏ trống thời gian dài, thậm chí nhiều khu nhà tái định cư bị bỏ hoang cả chục năm trong khi quỹ nhà tái định cư của thành phố đang rất thiếu.

 

Đơn cử như 3 tòa nhà tái định cư cao 6 tầng với 150 căn hộ ở khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) làm chủ đầu tư. Đây là 3 tòa nhà được xây dựng từ năm 2001 - 2006 dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng.

 

Tuy nhiên, do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang 10 năm nay. Cuối cùng, Hanco3 đã phải đề xuất TP. Hà Nội cho phép phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà để xây dựng nhà thương mại phục vụ tái định cư theo đặt hàng của thành phố đáp ứng nhu cầu mới của người dân hiện nay. Đây là thực tế vô cùng lãng phí.

 

 

Theo Bất động sản

Tư vấn khoản vay