Cần có cơ chế ưu đãi cho các khách hàng mua căn nhà đầu tiên. Đa phần các khách hàng mua nhà lần đầu đều là người lao động trẻ.
Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với cơ cấu đạt 96,2 triệu người, trong đó đối tượng người trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 36%. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam xấp xỉ 2.600 USD/năm, riêng ở TP. Hồ Chí Minh khoảng 6.400 USD/năm. Các chuyên gia bất động sản (BĐS) đánh giá, trong 10 gần đây, tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi trong số lượng khách hàng mua nhà ngày càng tăng, hiện tại đạt mức 23%. Theo đó, nhu cầu an cư của khách hàng trẻ ngày càng tăng và cấp thiết.
Theo ghi nhận, nhiều người trẻ có thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng trong độ tuổi từ 25-35 tuổi, việc sở hữu nhà là giấc mơ thường trực của họ. Nhiều người tìm kiếm đất nền khu ven thành phố nhưng giá cao đã chuyển sang tìm kiếm căn hộ cùng khu vực nhưng giá cũng không hề rẻ. Trong khi việc tiết kiệm tài chính không lại với mức độ tăng giá BĐS.
>>> Vợ chồng trẻ nên mua nhà hay mua chung cư trả góp?
Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng về đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vượt qua khó khăn trong đại dịch CoViD-19 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái khởi động thị trường bất động sản sau đại dịch
Theo HoREA, hiện nay, giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp đang có xu thế sống tự lập, có nhu cầu tạo lập "căn hộ nhỏ". Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, cứ sau mỗi 10 năm thì đa phần giới trẻ có thu nhập tăng lên khoảng gấp đôi. Do vậy, đầu tư cho giới trẻ gần như rất ít bị rủi ro. Nhiều nước trên thế giới cho giới trẻ vay tín dụng theo phương thức tín chấp để mua nhà, để đóng học phí…
Việc giới trẻ có nhà riêng sẽ còn kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác, kích thích nền kinh tế phát triển. Từ "căn hộ nhỏ" ban đầu, sẽ chuyển đổi qua các căn nhà lớn hơn trong vòng đời, trong quá trình thu nhập tăng thêm.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành chính sách "tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên" cho giới trẻ theo phương thức tín chấp, để mua nhà (Ghi chú: Ngân hàng Grameen Bank của Bangladesh cho người nghèo vay không thế chấp để làm ăn, nhưng tỷ lệ nợ xấu dưới 1%).
Về gói tín dụng cho nhà ở xã hội, HoREA cho biết Hiệp hội rất hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư cân đối thêm 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó, 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho 04 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển nhà ở xã hội đảm bảo an sinh xã hội, sau khi đại dịch CoViD-19 qua đi, để tạo cú huých phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của cán bộ, công chức viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư…
>>> Xem thêm: Lãi suất vay mua nhà tháng 4/2020 tại các ngân hàng uy tín nhất
Tư vấn khoản vay