Một tuần sau sự kiện công bố giảm lãi suất cho vay, VnEconomy có cuộc trò chuyện với ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, những nhà băng có thế mạnh và dịch chuyển mạnh cơ cấu lợi nhuận sang dịch vụ đều chiếm các vị trí ở nhóm đầu báo lãi.
Một câu hỏi có vẻ nhạy cảm, nhưng cũng được đặt ra, với tính chất bên lề: việc Vietcombank cũng như một số ngân hàng khác vừa giảm lãi suất cho vay sau nghị quyết của Chính phủ, có phảng phất “tính chính trị” không?
Xu hướng thắng thế
Ông Thành trả lời ngay: “Với Vietcombank, các quyết định giảm lãi suất vừa qua là để tự “cứu” mình. Quyết định giảm lãi suất huy động khoảng một tháng trước là yêu cầu giảm giá vốn khi nguồn huy động lớn và dư thừa, trong khi tín dụng đầu ra có giới hạn. Quyết định giảm lãi suất cho vay vừa rồi cũng đã được cân đối kỹ, chắc chắn trên cơ sở đảm bảo kế hoạch cả năm của ngân hàng. Và giảm được chi phí cho khách hàng, thì ngân hàng lợi”.
Không trực tiếp trả lời thêm cho câu hỏi trên, nhưng Chủ tịch Vietcombank có nêu một nội dung đáng chú ý: những năm gần đây và hiện nay Vietcombank không đẩy cao tỷ lệ sử dụng vốn, chỉ quanh 70%; hoặc nhìn vào quy mô tổng dư nợ, nhỏ hơn so với một số ngân hàng khác, nhưng lợi nhuận vẫn đảm bảo yêu cầu cổ đông giao.
Đến cuối tháng 9/2016, tổng dư nợ của Vietcombank chưa đầy 440.000 tỷ, chỉ bằng cỡ 2/3 của VietinBank hoặc BIDV, nhưng lợi nhuận vẫn ngang ngửa, thậm chí vượt BIDV khá xa.
Có nhiều yếu tố cấu thành lợi nhuận. Nhưng trong so sánh trên, một phần lớn tại Vietcombank không đến từ tín dụng. Trong năm 2015, đây là thành viên đầu tiên nhóm “Big 4” tự tin tuyên bố: tỷ trọng thu dịch vụ đã đạt 30% trong cơ cấu lợi nhuận.
Lợi nhuận bớt ỷ vào tín dụng, dịch chuyển mạnh hơn về dịch vụ là xu hướng đang thể hiện. Nói một cách hình ảnh thì “gen” lợi nhuận ngân hàng thay đổi theo hướng này, và ngày càng rõ nét.
Trong khi tín dụng bộc lộ nhiều rủi ro, nợ xấu đeo bám, thì lãi từ dịch vụ bền vững hơn, khi so sánh giữa các ngân hàng.
Và có một sự trùng hợp, trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, những nhà băng có thế mạnh và dịch chuyển mạnh cơ cấu lợi nhuận sang dịch vụ đều chiếm các vị trí ở nhóm đầu báo lãi.
Như trên, Vietcombank đang có kết quả tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây, là ứng viên dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống năm nay.
Và rất đáng chú ý, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cũng đang có triển vọng trở lại thời hoàng kim trước đây bằng mức lãi (theo con số tuyệt đối) dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần (không có tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước) sau 9 tháng, với gần 2.900 tỷ, theo tiến độ cập nhật thông tin đến thời điểm này.
Lâu nay Techcombank là điển hình về dịch chuyển và tạo thu từ dịch vụ. Trong vùng chùng xuống về lợi nhuận giai đoạn 2012-2015, chính sự bền vững và mạnh của hoạt động dịch vụ đã đỡ cho ngân hàng này.
Đơn cử, năm 2015 lãi từ hoạt động dịch vụ đã “đỡ” tới 55,91% lợi nhuận trước thuế của Techcombank. Và 9 tháng đầu năm nay, khi tín dụng khả quan (đặc biệt cho vay cá nhân khởi sắc - sẽ đề cập phần sau), tỷ trọng đó vẫn chiếm tới 31,81%.
Những điển hình trên cho thấy, khi nhìn về “gen” lợi nhuận các ngân hàng hiện nay, không hẳn cứ cho vay nhiều, tổng dư nợ lớn là có thể lãi lớn; còn nếu có nền tảng tốt và đẩy mạnh được các hoạt động dịch vụ, thì lợi nhuận khả quan.
Thời của “thượng đế bạc cắc”
Cũng tại Techcombank, có một chỉ tiêu hoạt động được đề ra cụ thể những năm gần đây: mỗi khách hàng sử dụng bao nhiêu sản phẩm, dịch vụ. Và Techcombank đã, đang mở rộng độ phủ sang khách hàng cá nhân.
Thông thường và đa số, từng khách hàng cá nhân chỉ tạo doanh số nhỏ, lẻ, gọi dân dã là “bạc cắc”. Nhưng, đây chính là động lực tạo bất ngờ và đột biến khi nhìn vào lợi nhuận một số ngân hàng thời gian gần đây.
Như ở Techcombank, bên cạnh các dịch vụ khác, tính đến cuối tháng 9/2016, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đã chiếm tới 43,5% tổng dư nợ.
Nhìn sang hiện tượng lợi nhuận 2015 và dự báo cả 2016 - Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cú hích lớn và có thể nói là quyết định cho sự bứt phá về lãi là từ cho vay cá nhân - những “thượng đế bạc cắc”, tập trung qua công ty tài chính với mảng tín dụng tiêu dùng được đẩy mạnh ba năm qua.
Lãnh đạo VPBank từng nói với VnEconomy rằng, khách hàng cá nhân là phân khúc chiến lược, dĩ nhiên đi cùng với khẩu vị rủi ro và yêu cầu quản trị tốt rủi ro. Và chính VPBank cũng tự ấn tượng, bởi ban đầu họ dự tính mảng này có thể phải mất tới ba năm đầu của chiến lược là chịu lỗ, nhưng đã sớm cho đóng góp rất lớn vào lợi nhuận chung.
Thành công trong phát triển và khai thác khách hàng cá nhân tại Techcombank, VPBank có thể đang thu hút sự chú ý của những ngân hàng thương mại khác. Mà dáng dấp cũng đã thể hiện ở HDBank, sau kế hoạch mua lại công ty tài chính của nước ngoài; lợi nhuận của HDBank cũng bắt đầu nâng cao, trong đó có cấu phần đóng góp lớn từ khối khách hàng cá nhân…
Hay tại Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), mức tăng trưởng huy động vốn rất cao, tới 17,5% trong 9 tháng đầu năm nay, có đóng góp và sự chủ động tích lũy bề dày quan hệ khách hàng cá nhân, để chuẩn bị cho kế hoạch lớn.
SHB đang đến gần đích sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex Vietel (VVF), để lập ra công ty tài chính chuyên biệt, phát triển và khai thác mảng tín dụng tiêu dùng. Và sẽ không bất ngờ, nếu lực lượng “thượng đế bạc cắc” sẽ thực sự thúc đẩy lợi nhuận SHB từ năm tới, điều mà VPBank và Techcombank đang thể hiện rõ.
Phía sau xu hướng này, thời của khách hàng cá nhân đang khẳng định. Hay, đóng góp của phân khúc này trong lợi nhuận các ngân hàng đang mở rộng hơn, thay vì chen lưng cho vay, tiếp thị vốn cho các ông lớn tập đoàn, tổng công ty quá truyền thống nhiều năm qua.
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020