Điều gì xảy ra khi Vingroup nhảy vào phân khúc nhà ở trung bình

Thông tin Vingroup gia nhập phân khúc nhà ở trung bình với kế hoạch xây dựng 200.000 - 300.000 căn hộ thương hiệu VinCity, mức giá bình quân chỉ từ 700 triệu đồng là tin vui đối với người mua nhà. Đồng thời là cú hích và lực đẩy mới cho thị trường bất động sản.

Tại một hội thảo về nhà ở cho người trẻ mới đây, chuyên gia đến từ Đại học Ngân hàng TP HCM là TS Bùi Quang Tín cho rằng Việt Nam hiện đang sở hữu tài nguyên dân số “vàng” với độ tuổi từ 25-45 chiếm tỷ lệ 32,23%, trong đó hơn nửa là 25-35 tuổi. Riêng TP HCM mỗi năm có hơn 50.000 người lập gia đình, vì vậy nhu cầu về nhà ở từ bộ phận này rất lớn.

ThS Lê Minh Hoàng Long – Khoa QTKD Đại học Ngân hàng TP HCM cũng cho biết thực tế là đa phần người trẻ thường mua nhà sau khi đi làm từ 3-7 năm. Với mức lương trung bình từ 8 - 15 triệu đồng/tháng (theo báo cáo của Jobstreet năm 2016), họ có một số tiền tích lũy nhất định cũng như hỗ trợ của người thân, chiếm từ 14,5 -21% giá trị căn hộ định mua.

Trừ một bộ phận có đủ tiền, đa phần đều gặp khó khăn về tài chính. Do số tiền giới hạn, phần nhiều sẽ tìm kiếm các sản phẩm có mức giá giao động từ 800 triệu – 1,2 tỷ đồng (chiếm 59.8%), chỉ có 15,9% tìm kiếm các căn hộ có giá 1,2-1,5 tỷ đồng.

 

 

Đối với người mua nhà, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM - nơi giá nhà ở luôn cao hơn rất nhiều so với thu nhập trung bình của người dân, thì một căn hộ giá bình quân từ 700 triệu đồng là lựa chọn không thể tốt hơn về mức giá và kế hoạch chi trả trong thời điểm hiện nay.

Nói về lý do đầu tư vào phân khúc nhà ở trung bình, ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ: “Với việc đầu tư mạnh mẽ để xây dựng các dự án VinCity, chúng tôi mong muốn góp phần vào sự thay đổi diện mạo đô thị để dần dần Việt Nam sẽ có các thành phố đẹp, hiện đại như các thành phố lớn trên thế giới. Đặc biệt, thông qua VinCity, chúng tôi mong muốn mang đến cho đồng bào những tổ ấm hiện đại, an toàn và phù hợp với thu nhập trung bình của số đông".

“Việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư vừa giải quyết được vấn đề an sinh xã hội, vừa giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững. Luật Nhà ở 2014 cũng đã đề ra các cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội trong dài hạn. Đây cũng là một hướng đầu tư hiệu quả, có tính thanh khoản cao, an toàn và bền vững”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhận định.

 

Thừa phân khúc cao cấp, thiếu nhà giá rẻ

 

Thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình hiện nay tuy đã có sự tham gia của khá nhiều doanh nghiệp nhưng nguồn cung vẫn còn rất khiêm tốn. Thực tế cho thấy nhu cầu luôn cao hơn khả năng đáp ứng của chủ đầu tư.

Số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP HCM cho biết toàn thành phố có 476.000 hộ chưa có nhà ở riêng, 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, thành phố cần đầu tư xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội, với quy mô gần 45.000 căn. Tuy nhiên, đây chỉ là con số khiêm tốn và chưa thể đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân thành phố.

Phân tích báo cáo từ Phòng quản lý nhà và bất động sản thuộc Sở Xây dựng Thành Phố Hà Nội, thì hiện nay nhu cầu về chung cư giá rẻ Hà Nội đang là khá cao, lượng người đang có nhu cầu vào khoảng 400.000 trường hợp. Trong đó tập trung tại trung tâm thành phố là 300.000 trường hợp. Còn lại 100.000 trường hợp là tập trung ở vùng ven Hà Nội.

 

Xét về yếu tố cạnh tranh, các doanh nghiệp bất động sản phát triển nhà phân khúc trung bình và nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự án nằm rải rác nhiều nơi với số lượng căn hộ xây dựng chưa nhiều, vị trí không thuận lợi, thiếu hạ tầng kết nối, tiện ích.

 

Những bê bối trong chất lượng chung cư giá rẻ như trường hợp các dự án của đại gia "điếu cày" Lê Thanh Thản liên tục gặp sự cố cháy nổ, cùng các phản ánh chất lượng công trình như thang máy, nội thất hư hỏng sớm... đã khiến niềm tin của khách hàng vào dự án nhà ở giá rẻ giảm sút.

Cùng với đó, hiện đa phần các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nguyên nhân là do Chính phủ sẽ chấm dứt gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ ngày 15/12. Trong khi đó, nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất 4,8% theo Nghị định 100 cho người thu nhập thấp có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội đang bị ách tắc do có nhiều ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành về việc bố trí ngân sách Nhà nước.

Với tiềm lực tài chính của tập đoàn có mức vốn hóa gần 111.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, tin rằng Tập đoàn Vingroup đã có sự tính toán về nguồn lực để thực hiện chương trình nhà ở thương hiệu VinCity mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng.

Một điểm thuận lợi nữa cho Tập đoàn Vingroup để tham gia là phân khúc nhà ở giá trung bình thời điểm này là Thông tư 139/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 15/11 quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Kể cả quỹ đất 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án kinh doanh thương mại...

 

Những vị trí tiềm năng triển khai dự án VinCity

 

Tập đoàn Vingroup cho biết tại Hà Nội và TP HCM các dự án VinCity sẽ được đầu tư ở các quận huyện ngoại thành, góp phần hình thành các khu đô thị vệ tinh.

Được biết, tại TP HCM, Công ty Cổ phần phát triển Thành Phố Xanh – thành viên của Tập đoàn Vingroup hiện đang triển khai dự án Khu dân cư và công viên Phước Thiện, phường Long Bình và phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 với diện tích 312,12 ha.

Cùng với đó, Vingroup cũng đang kiến nghi thực hiện dự án BT nâng cấp, mở rộng đường Vườn Lài và xây dựng cầu Vàm Thuật. Nguồn vốn đối ứng của dự án là tiền sử dụng đất khu đất phía Nam của Quốc lộ 1 tại phường An Phú Đông Quận 12.

Tại TP Hà Nội, Vingroup đã cũng đang triển khai nhiều dự án có quỹ đất lớn tại khu vực quận huyện ngoại thành như Thanh Xuân, Đông Anh, Mễ Trì, Long Biên...

theo ndh.vn

Tư vấn khoản vay