Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air: Người giữ lửa khát vọng bay xa cho Vietjet

Thành công của hãng hàng không thế hệ mới Vietjet trong những năm gần đây gắn liền với hình ảnh của nữ CEO Nguyễn Thị Phương Thảo. Họ đang là niềm cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều doanh nhân trẻ Việt Nam.

 

 

Người đi tiên phong

“Không phải ai khác mà chính Vietjet đã làm thay đổi diện mạo của ngành hàng không Việt Nam, đưa lĩnh vực vận tải này trở nên đơn giản với mọi người dân Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa đã dành một sự ghi nhận đầy khích lệ đối với hãng hàng không thế hệ mới đầu tiên ở Việt Nam trong buổi làm việc giữa hãng với lãnh đạo Bộ này hồi cuối tháng 9/2016.

 

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, sự tham gia của Vietjet vào cuối năm 2012 đã phá vỡ sự độc quyền trong kinh doanh hàng không, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, cũng như giúp cho 30% hành khách lần đầu tiên được sử dụng dịch vụ hàng không, trong đó có nhiều người chưa bao giờ mơ ước được đi máy bay.

 

Không chỉ thay đổi diện mạo thị trường hàng không Việt Nam, trong khoảng 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet - một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn mà các phi công gọi bằng cái tên “Công chúa hàng không”, nhưng đầy bản lĩnh, tự tin sánh vai cùng lãnh đạo các tập đoàn Airbus, Boeing - đặt bút ký vào những bản hợp đồng mua máy bay hàng tỷ USD đã gây “chao đảo” cả ngành công nghiệp chế tạo hàng không thế giới.

 

Hàng chục năm trên thương trường, “chị Thảo” - như cách gọi trìu mến của hầu hết nhân viên của bà - được giới đầu tư biết tới với một loạt thương vụ M&A đình đám trên thị trường bất động sản và tài chính, người sáng lập ngân hàng cổ phần thương mại đầu tiên ở Việt Nam. Bà cũng được biết đến với vai trò chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất Việt Nam là Furama và Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long (chủ đầu tư Dragon City).

 

Tuy nhiên, “thương hiệu” nổi nhất của bà Thảo cùng nhóm cộng sự gắn liền với “sắc đỏ lửa” của Vietjet. Năm 2007, khi Việt Nam công bố “mở cửa bầu trời”, cấp phép cho hàng không tư nhân hoạt động, bà Thảo cùng một số thành viên sáng lập Công ty cổ phần Hàng không Vietjet với tham vọng “trở thành hãng hàng không uy tín và được ưa thích nhất tại Việt Nam và khu vực”.

 

Sau khi được cấp phép, hào hứng với chính sách mới cùng tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế trong những năm đầu hội nhập kinh tế thế giới, Vietjet lên kế hoạch xây dựng một hãng hàng không 5 sao. Nhân sự được tuyển rầm rộ với mức lương khủng, chuyên gia hàng đầu lĩnh vực hàng không trong nước và quốc tế được mời về liên tiếp, hợp đồng thuê máy bay đã được ký kết. Mặc dù vậy, ít người biết rằng, mô hình hãng hàng không thế hệ mới của Vietjet lại bắt đầu từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

 

“Trong bối cảnh nền tài chính toàn cầu đang chao đảo, Vietjet đã dừng lại một nhịp để nghiên cứu kỹ hơn và chuẩn bị cho mình một con đường riêng”, bà Thảo nói và cho biết, con đường riêng đó bắt đầu từ việc từ bỏ mô hình hàng không 5 sao sang mô hình hàng không thế hệ mới, hành khách được tự chọn dịch vụ, thay vì kèm tất cả vào giá vé. Xu hướng này giúp hành khách có nhiều lựa chọn, tiết kiệm chi phí.

 

Cần phải nói thêm rằng, việc lựa chọn được mô hình đúng chính là bước khởi đầu thành công của một hãng hàng không. Trong lúc Indochina Airlines “chết yểu” sau 1 năm bay èo uột, Air Mekong cầm cự được 2 năm, thì Vietjet ngay năm đầu tiên đã lọt vào Top 5 đường bay mới mở thành công nhất thế giới. Năm thứ hai, hãng này công bố lãi và năm thứ ba là hãng hàng không tư nhân đầu tiên có đường bay quốc tế, liên doanh ở nước ngoài.

 

Thành công của Vietjet rất có ý nghĩa đối với thị trường hàng không Việt Nam, nó cho thấy chính sách mở cửa thị trường của Chính phủ Việt Nam. Nhờ chính sách này, Nhà nước không phải đầu tư vốn, nhưng phát triển hàng không đến các địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư và du lịch.

 

Người truyền lửa thân thiện

Giá trị cốt lõi của Vietjet có thể gói gọn trong 8 chữ: “An toàn, Giá rẻ, Vui vẻ, Đúng giờ” - một ước mơ của hầu hết khách đi máy bay. Trên thực tế, bà Thảo không phải mẫu doanh nhân “nói suông”. Từ triết lý kinh doanh nhân văn, hướng tới cộng đồng, khát vọng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người trên các chuyến bay, đem lại cơ hội bay bình đẳng cho tất cả mọi người, người phụ nữ này cùng các cộng sự đã viết lên một câu chuyện cổ tích trong ngành hàng không.

 

“Cuộc cách mạng trong ngành hàng không”, “câu chuyện cổ tích có thật” của bà Thảo và Vietjet được hiện thực hoá bằng những con số rất thuyết phục khi đạt được những kỳ tích hiếm có trong ngành hàng không, với việc đạt lợi nhuận ngay từ năm thứ hai hoạt động, doanh thu năm thứ 5 gấp 3 lần năm thứ 3. Sau gần 5 năm hoạt động, Vietjet đã vươn lên dẫn đầu thị phần hàng không nội địa, hơn 90% khách hàng thường xuyên quay lại sử dụng dịch vụ.

 

Hàng triệu người dân, nhờ cánh bay Vietjet, lần đầu tiên được tiếp xúc với phương tiện di chuyển văn minh, được đi trên những máy bay mới, hiện đại. Các sân bay địa phương trở nên tấp nập hơn với những chuyến bay nội địa và quốc tế của Vietjet. Vietjet đem đến sự thay đổi rõ nét cho thị trường hàng không kéo theo sự đổi mới tích cực của các hãng hàng không khác. Cùng với hạ tầng được nâng cấp, không ngừng hiện đại hóa, hàng không Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế với khu vực và thế giới.

 

Kiên định trên bàn đàm phán hay hoạch định những bước đi “sống còn” của một hãng hàng không là điều ít người nhìn thấy. Bề ngoài, người ta thường thấy bà Thảo nhẹ nhàng xuất hiện trong các sự kiện quan trọng của Vietjet với tâm thế an nhiên, nhẹ nhõm, quan tâm từng chi tiết nhỏ từ lẵng hoa đặt cho đúng vị trí tới bản giới thiệu về khách mời. Bà không từ chối chụp ảnh chung với bất kỳ ai, nhất là nhân viên, cho dù đó là những nhân viên mà bà không biết đang ở vị trí nào trong hàng ngàn người lao động đang làm việc cho Vietjet.

 

Trân trọng người lao động chính là ưu điểm tuyệt vời của bà Thảo và giờ đây đó đã trở thành triết lý kinh doanh của Vietjet. Lãnh đạo và nhân viên Vietjet khi nói chuyện về Vietjet luôn thích dùng từ “Vietjet chúng tôi”. “Nhiều người hỏi chúng tôi vì sao Vietjet thành công, chúng tôi chỉ vào trái tim mình. Chính sự quyết tâm, đồng lòng cùng nhau thực hiện hoài bão, đam mê vì giấc mơ mọi người cùng bay đã giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn. Chúng tôi yêu môi trường làm việc nơi đây, nơi tinh thần đồng đội, sức mạnh tập thể là trên hết”, một lãnh đạo Vietjet nói.

 

Rất dễ gặp những “cảm hứng Vietjet, tình yêu Vietjet” trong môi trường làm việc của hãng hàng không này như kiểu của bà Thảo. Ở Vietjet, khái niệm “thân thiện” được định nghĩa một cách rất rõ ràng, đó là sự sẵn sàng lắng nghe, chân thành giúp đỡ, hỗ trợ khách hàng, đồng nghiệp như người thân trong gia đình.

 

Những nhân viên bộ phận chăm sóc, bảo dưỡng máy bay vẫn truyền nhau câu chuyện cảm động đêm cuối năm, khi “chị Thảo” cùng Ban lãnh đạo Vietjet đi thị sát sân bay mùa cao điểm. Để cảm nhận công việc thực tế trên tàu bay, bà đã tự tay cầm giẻ lau máy bay, lật từng chiếc ghế lên hút bụi, nhặt những sợi tóc nhỏ li ti giắt dưới sàn tàu. Khi biết một nhân viên lớn tuổi không quản ngại ngày đêm, nhiều năm cần mẫn làm tốt công việc dọn vệ sinh, bà gọi ngay bộ phận nhân sự yêu cầu tăng lương cho nhân viên này. Bà cũng không ngại ngần mỗi khi săn sóc nhân viên, từ việc tự tay chuẩn bị cơm nước cho họ tới hát cho họ nghe trong những ngày vui.

 

“Chúng tôi tin tưởng có một tương lai trên không trung và Vietjet đang hướng tới tạo lập những giá trị tốt đẹp cho một tương lai đó bằng việc tiếp tục thực hiện những thay đổi mới mang tính cách mạng trong dịch vụ và vận hành hàng không, đưa dịch vụ hàng không trở nên phổ cập hơn với tất cả mọi người, nỗ lực tạo ra những thị trường mới, cùng nhau bay tới tương lai”, người phụ nữ suốt 5 năm qua dường như lúc nào cũng “gây sốc”, “náo động” cả thị trường hàng không thế giới giản dị chia sẻ.

 

Theo ndh.vn

Tư vấn khoản vay