FPT rút khỏi mảng phân phối và bán lẻ

CTCP Tập đoàn FPT (FPT) là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam với 4 mảng hoạt động chính gồm: Công nghệ, viễn thông, phân phối/bán lẻ và giáo dục.

 

 

Mới đây, FPT công bố quyết định sẽ rút khỏi mảng phân phối và bán lẻ, dù đây là lĩnh vực đóng góp đáng kể vào doanh thu và lợi nhận của tập đoàn trong thời gian qua.

 

Tái cấu trúc

FPT đang trong lộ trình giảm tỷ trọng sở hữu tại mảng bán lẻ và bán sỉ thiết bị công nghệ tại FPT Retail (mảng phân phối thiết bị CNTT và điện thoại) và FPT Trading (hệ thống bán lẻ FPT Shop). Đồng thời thể hiện thiện chí muốn nâng cao tối đa sở hữu tại mảng viễn thông bằng việc mua lại phần vốn bán ra của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại FPT Telecom. FPT đã ký hợp đồng tư vấn với Nomura của Nhật và CTCK Bản Việt để thực hiện thương vụ này vào tháng 3-2016. Hiện FPT đã hoàn thành việc lập hồ sơ đánh giá năng lực, cung cấp hồ sơ đến các đối tác tiềm năng và đang tiến hành tiếp xúc với các đối tác quan trọng trên thị trường.

 

Theo lý giải, có 2 mục đích chính của đợt thoái vốn lần này của FPT. Thứ nhất để tìm các đối tác mạnh về kinh tế và có kinh nghiệm về làm thương mại để mở rộng chuỗi kinh doanh. Do đó, tỷ lệ thoái vốn tối thiểu của FPT là 51%, mức vừa đủ để kết quả kinh doanh 2 mảng này không hợp nhất vào BCTC. Thứ 2, nguồn tiền mang lại từ thương vụ sẽ giúp FPT có thể thực hiện các kế hoạch tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, cụ thể là hoạt động M&A trong lĩnh vực phần mềm và tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom. Đây là mảng kinh doanh được đánh giá sẽ mang lại sự phát triển mạnh của FPT trong dài hạn.

 

Áp lực cạnh tranh

Ngoài 2 yếu tố trên, theo giới phân tích, lý do để FPT rút khỏi FPT Trading là mảng phân phối bị thiệt hại nặng do chính sách bán hàng của Apple thay đổi. Cụ thể, doanh thu phân phối suy giảm mạnh trong nửa đầu năm 2016 do một số chuỗi bán lẻ quy mô lớn ở Việt Nam như Thegioididong, FPT Shop, Vienthong A bắt đầu được nhập khẩu trực tiếp iPhone từ tháng 9-2015 và không còn thông qua FPT Trading, khiến FPT bị hụt một khoản doanh thu lớn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của mảng phân phối từ cuối năm 2015 đến nay. Ngoài ra doanh thu phân phối các dòng điện thoại của Microsoft cũng bị giảm mạnh do hãng này không ra mắt nhiều sản phẩm mới. Với chính sách bán hàng của Apple như hiện tại, mảng phân phối của FPT sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2016.

 

Đối với FPT Retail. Tính đến cuối tháng 8-2016, FPT Shop có 350 cửa hàng, tăng gần 100 cửa hàng so với thời điểm cuối năm 2015. Tuy nhiên, quy mô này vẫn còn thua kém so với đối thủ trực tiếp là Thegioididong.com (tính chất kinh doanh và sản phẩm phân phối có sự tương đồng nhất định). Theo thống kê, số lượng cửa hàng hiện tại của Thegioididong.com đã chạm mốc 1.000 cửa hàng. Điều này dẫn tới thị phần của Thegioididong.com đạt mức 35%, cao hơn gần 3 lần so với đối thủ đứng thứ 2 là FPT Shop.

 

Kỳ vọng từ FPT Telecom

Nhiều khả năng, những thương vụ trên sẽ được FPT thông báo chốt vào cuối năm nay và đây sẽ là yếu tố chính tác động đến giá của CP trong giai đoạn cuối năm 2016, trong bối cảnh kết quả kinh doanh của FPT bắt đầu bước vào chu kỳ đi xuống. Sự sụt giảm của mảng phân phối và bán lẻ cũng chính là nguyên nhân khiến khả năng hoàn thành kế kế hoạch năm 2016 của FPT rất thấp. Nhận định này phần nào được thể hiện qua kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 của FPT lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm của FPT đạt 17.818 tỷ đồng (giảm 8% và hoàn thành 39% kế hoạch năm). Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm tương đương 7%, với 1.258 tỷ đồng so với 1.350 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015. Theo nhận định của giới đầu tư, việc thoái vốn có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của FPT trong các năm tới, bởi lợi nhuận trước thuế từ 2 mảng này hiện chiếm khoảng 20% tổng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn. Tuy nhiên, việc gia tăng đầu tư vào FPT Telecom sẽ góp phần kéo FPT quay trở lại chu kỳ tăng trưởng và dự báo có khả năng bù đắp được sự sút giảm từ 2 mảng kinh doanh FPT thoái lui.

 

Với lượng tiền có thể thu được từ thương vụ thoái vốn tại FPT Trading và FPT Retail, FPT hoàn toàn đủ nguồn lực để mua lại toàn bộ lượng cổ phần SCIC sẽ thoái vốn. Năm 2014, FPT đã từng bỏ ra 280 tỷ đồng để mua lại 4,33% quyền sở hữu tại FPT Telecom. Được biết, SCIC đang sở hữu hơn 50% cổ phần tại FPT Telecom và đây cũng là doanh nghiệp mang lại cho SCIC lượng tiền cổ tức lớn và ổn định thứ 2, chỉ sau Vinamilk. SCIC đã công bố danh sách các doanh nghiệp sẽ thực hiện thoái vốn trong năm 2016, trong đó không có FPT Telecom. Do đó, thương vụ này nếu có sẽ được thực hiện trong năm 2017. Hiện tại, dù chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu 45,55% tại FPT Telecom nhưng lợi nhuận công ty này mang lại cho FPT chiếm tới 35% lợi nhuận toàn tập đoàn. Nắm quyền chi phối tại FPT Telecom sẽ tăng khả năng quản trị cũng như tăng khả năng thống nhất về chiến lược kinh doanh của công ty, bởi hơn ai hết FPT là người hiểu rõ nhất về FPT Telecom.

 

Tư vấn khoản vay