Theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay 0,5%, tăng trưởng tín dụng đạt mức 21-22%.
Theo báo cáo sơ bộ tổng kết kinh tế-xã hội được công bố tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vừa qua, tình hình tiền tệ, tín dụng trong tháng 8 tiếp tục ổn định. Tính đến ngày 21/8, tín dụng tăng 10,06% so với tháng 12/2016. Mức tăng trưởng trên cao hơn so với cùng kỳ.
Báo cáo sơ bộ cũng cho thấy, năm 2017 sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Sự tăng trưởng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung đầu tư vào các dự án đang dở dang để đưa vào sử dụng hiệu quả. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay 0,5% từ nay đến cuối năm, tiếp tục tăng trưởng tín dụng đạt 21-22%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng được giao báo cáo sớm với Chính phủ liên quan đến việc huy động nguồn lực tư nhân, trong đó có cả ngoại tệ, vàng… Báo cáo cả vấn đề về cơ chế chính sách, tạo ra thể chế để hút các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân, cả vấn đề bán vốn, cổ phần hóa, phá sản các doanh nghiệp không hiệu quả, vấn đề giảm chi thường xuyên…
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10/7/2017. Theo đó, giảm lãi suất điều hành 0,25% gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Đồng thời, giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Ngay sau quyết định này, các ngân hàng lớn nhỏ đồng loạt đưa ra thông báo giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, mức giảm từ 0,25%-1,5% tùy điều kiện vay cụ thể.
Theo CafeLand
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020