Hà Nội, chưa xỷ lý việc nhà giàu mua nhà ở xã hội

Hàng loạt những bất cập trong việc xây dựng, mua bán nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015 - 2018 của TP.Hà Nội được Kiểm toán Nhà nước và báo cáo lên Sở Xây dựng Hà Nội.

 

Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm tiêu biểu cho việc bán căn hộ sai đối tượng. Ảnh CTV

 

Theo đó, đáng chú ý là đến thời điểm kiểm toán (tháng 5.2019), Hà Nội chưa có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về tiêu chí xét duyệt theo thứ tự ưu tiên đối tượng có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội.

 

Việc xét duyệt các đối tượng ưu tiên vẫn thực hiện theo quy định của UBND TP.Hà Nội từ năm 2010 - trước thời điểm luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100 của Chính phủ có hiệu lực thi hành.

 

Nhà ở xã hội liên tục chậm tiến độ

 

Hầu hết các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2015 – 2020 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành 2015 và giai đoạn 2016 – 2020 đều bị chậm tiến độ. Thậm chí, một số dự án còn chưa có thông tin tiến độ hoặc không thực hiện.

 

Theo kế hoạch, dự kiến đến đầu 2015 có 6 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành nhưng 6/6 dự án không hoàn thành như kế hoạch đặt ra (3/6 dự án chưa triển khai xây dựng; 3/6 dự án đang xây dựng nhưng chậm tiến độ).

 

Trong giai đoạn 2016 – 2020, theo kế hoạch đặt ra, dự kiến có 15 dự án nhà ở xã hội được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành (2/15 dự án chưa triển khai xây dựng; 7/15 dự án chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận dự án đầu tư; 1/15 dự án không có thông tin tình hình triển khai; 2/15 dư án dừng triển khai không thực hiện được nhà ở xã hội hoặc thu hồi; 3/15 dự án đã được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại).

 

Đối với 3 dự án nhà ở xã hội được chuyển mục tiêu đầu tư nhà ở thương mại không có trong quy định của luật Nhà ở 2014 và các nghị định.

 

Ngoài các dự án trong danh mục được phê duyệt theo Quyết định 6336, Hà Nội còn 9 dự án khác chậm triển khai thực hiện.

 

Chưa xử lý việc bán nhà ở xã hội cho người giàu

 

Mặc dù Nhà Ở Xã hội là dành cho những người có thu nhập thấp tuy nhiên người giàu vẫn nằm trong danh sách người mua đạt tiêu chuẩn.

 

Theo Kiểm toán Nhà nước, các quy định hiện hành chưa làm rõ về trách nhiệm theo dõi, phát hiện và xử lý đối với những trường hợp vi phạm mục đích sử dụng, không đảm bảo giải quyết được đầy đủ ác trường hợp vi phạm mục đích sử dụng, không đề cập cơ chế phối hợp, trao đổi và cung cấp thông tin giữa các cơ quan chức năng (Sở Xây dựng, Sở Công an), không ràng buộc được trách nhiệm kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội.

 

Kiểm toán Nhà nước cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội chưa cung cấp được các kế hoạch kiểm tra cũng như phát hiện xử lý trường hợp vi phạm mục đích sử dụng nhà ở xã hội theo chức năng nhiệm vụ được giao.

 

Cơ quan kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo việc rà soát để các dự án nhà ở xã hội được sử dụng đúng mục đích. Bên cạnh đó, cần xử lý các đối tượng mua dưới dạng công chứng hợp đồng ủy quyền toàn diện hoặc đã có nhà, không phải thu nhập thấp vẫn được mua nhà ở xã hội.

 

Thực tế, tại Hà Nội từng diễn ra những vụ việc liên quan đến hiện tượng bán nhà ở xã hội sai đối tượng. Chẳng hạn, 3 người nhà của ông Lục Minh Hoàn - Phó tổng giám đốc Công ty CP BIC Việt Nam, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Rice City (Khu đô thị tây nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai) được xét duyệt mua nhà tại dự án này. Cụ thể, bố đẻ ông Lục Minh Hoàn được lọt vào danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn được xét duyệt mua nhà ở xã hộiđợt 2 tại dự án Rice City và là 1 trong 5 người có điểm cao nhất (96 - 100 điểm).

 

Hà Nội phải ban hành tiêu chí đối tượng

 

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Sở Xây dựng Hà Nội cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong nghiệm thu giai đoạn tại các công trình nhà ở xã hội không kịp thời, đồng thời chủ động kiểm tra và đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định đối với các dự án tiếp theo. Sở Xây dựng cũng cần thực hiện đánh giá tình hình, kết quả thực hiện phát triển nhà ở xã hội ở Hà Nội theo định kỳ hàng năm hoặc yêu cầu đột xuất báo cáo UBND TP.Hà Nội, Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định.

 

Sở Xây dựng Hà Nội cũng được nhắc nhở rút kinh nghiệm việc chưa theo tiến độ dự án Khu nhà ở xã hội Đại Mỗ có chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP BĐS 126 - CTCP Sông Đà đến nay không có thông tin tình hình triển khai; chấn chỉnh việc kiểm tra quản lý sử dụng nhà ở xã hội thường xuyên, phát hiện xử lý với các trường hợp vi phạm mục đích sử dụng nhà ở xã hội có liên quan đến các dự án được kiểm toán; rà soát tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, tham mưu UBND Hà Nội thu hồi dự án, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội với dự án chậm triển khai nhiều năm chưa thực hiện.

 

UBND TP.Hà Nội cần khẩn trương ban hành văn bản quy định cụ thể tiêu chí ưu tiên để lựa chọn các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phù hợp với đặc thù của thành phố nhưng không vượt tiêu chí quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

 

Theo thị trường bất động sản

Tư vấn khoản vay