Hà Nội thí điểm chính sách để trở thành trung tâm khởi nghiệp của đất nước

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn TP. Hà Nội có thể trở thành nơi thí điểm các thể chế chính sách để trở thành trung tâm khởi nghiệp của đất nước.

 

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

 

Sáng ngày 21/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - bài học thực tiễn từ Israel” do UBND TP. Hà Nội, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Tập đoàn FPT đồng tổ chức.

 

Phát biểu chào mừng sự kiện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương coi trọng doanh nghiệp, doanh nhân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là chủ trương thường xuyên, nhất quán của Đảng. Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng với mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

 

"Điều cần làm là Việt Nam phải xây dựng thể chế, chính sách như thế nào, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội phải làm gì để chủ trương và chính sách đó đi vào cuộc sống?", ông Huệ nêu rõ.

 

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là một nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, vì vậy phải nghiên cứu, học tập, vận dụng kinh nghiệm của các nước đi trước. "Trong lĩnh vực khởi nghiệp, Israel được coi là một quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới và Việt Nam cần học tập cả về lý luận, thực tiễn của quốc gia này", ông Huệ nói.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ mong muốn TP. Hà Nội có thể trở thành nơi thí điểm các thể chế chính sách để trở thành trung tâm khởi nghiệp của đất nước.

 

Chia sẻ trong chương trình, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã nêu lên bức tranh thực trạng về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đại diện Bộ KH&CN cho hay, hiện nay đang có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên hầu hết là các quỹ nước ngoài không thành lập quỹ mà chỉ có văn phòng đại diện tại nước ta.

 

Về phía nhà đầu tư thiên thần, ông Quất đánh giá số lượng vẫn còn khá ít dù đang có xu hướng tăng. Mặt khác, "kiến thức và kinh nghiệm của các nhà đầu tư thiên thần Việt Nam trong lĩnh khởi nghiệp vẫn còn hạn chế", ông Quất nói.

 

Theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, thời gian gần đây, nhiều không gian làm việc chung và không gian sáng tạo đã được thành lập tại Việt Nam. Nhờ đó đáp ứng được cả nhu cầu về cơ sở vật chất và kỹ thuật và nhu cầu đào tạo, kết nối của các start-up.

 

Đánh giá về thách thức của khởi nghiệp Việt Nam, ông Quất cho rằng nếu không xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư sẽ không lựa chọn nước ta mà thay vào đó là các nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, các start-up trong nước có thể sẽ ra nước ngoài để lập nghiệp.

 

Cũng tại hội thảo, bà Esther Barak Landes – CEO, Nielsen Innovate Fund đến từ Israel cho biết Chính phủ Israel luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt về thuế, môi trường làm việc... cho các start-up.

 

Trong năm 2015, đã có 8 công ty khởi nghiệp của quốc gia này tiến hành IPO với giá trị lên đến 609 triệu USD. Cùng năm, có 104 vụ thoái vốn với giá trị 9,02 tỷ USD, trong đó 50% thương vụ do nhà đầu tư Mỹ mua lại và 30% do nhà đầu tư Israel mua lại.

Theo ndh.vn

Tư vấn khoản vay