Đại diện Công ty tài chính Home Credit Việt Nam nhận định, cho vay tiêu dùng mới chiếm khoảng 12% tổng dư nợ nên còn nhiều dư địa phát triển.
Và Vương Thủy Tiên, thành viên Hội đồng thành viên Công ty tài chính Home Credit Việt Nam chia sẻ những thông tin liên quan đến Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động cho vay tiêu dùng vừa được cơ quan soạn thảo xây dựng.
- Ngân hàng Nhà nước mới công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động cho vay tiêu dùng, tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại. Điều này sẽ tác động thế nào đến hoạt động của các công ty tài chính, thưa bà?
- Dưới góc độ quản lý Nhà nước, công ty tài chính vẫn được xem như một ngân hàng, mặc dù hoạt động có nhiều điểm khác biệt, từ cơ cấu sản phẩm cho tới cách thức hoạt động. Điển hình như công ty tài chính cho vay trả góp những khoản nhỏ dưới 80 triệu đồng và phải cử nhân viên đến túc trực thường xuyên tại các cửa hàng bán lẻ. Trong khi một khoản vay của ngân hàng không dưới 100 triệu đồng và nhân viên chỉ ngồi tại phòng giao dịch, làm việc trong giờ hành chính.
Điều này dẫn đến chi phí hoạt động của hai loại hình này có sự khác biệt. Do vậy, việc xây dựng và lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là động thái kịp thời, tạo ra cơ chế quản lý phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp hơn.
|
Bà Vương Thủy Tiên, thành viên Hội đồng thành viên Công ty tài chính Home Credit Việt Nam |
- Theo bà, đâu là những thách thức và cơ hội với công ty tài chính khi Dự thảo được thông qua và có hiệu lực thi hành?
- Theo nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam mới chiếm khoảng 12% trên tổng dư nợ, trong khi các quốc gia khác gần 30%. Như vậy, dư địa cho lĩnh vực này còn rất lớn, khi Việt Nam có tới hơn 93 triệu dân, với thành phần trẻ, mức sống ngày càng được nâng cao. Dự thảo này sẽ tạo ra khung pháp lý trong hoạt động cho vay của các công ty tài chính, đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Do đó có thể khẳng định, Dự thảo Thông tư có lợi cho cả người tiêu dùng lẫn các công ty tài chính. Những đơn vị sắp gia nhập thị trường hoặc chuẩn bị thành lập sẽ có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho hoạt động của mình và việc có nhiều doanh nghiệp trên thị trường sẽ tạo thêm cơ hội cho người dân tiếp cận với các nguồn vay dễ dàng và thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng dự thảo vẫn có những quy định phần nào hạn chế quyền chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động cho vay.
- Cụ thể là những gì, thưa bà?
- Quy định yêu cầu công ty tài chính phải tính lãi chậm trả trên dư nợ gốc quá hạn và tiền lãi quá hạn là điểm mới trong dự thảo. Tuy nhiên, quy định này không thể áp dụng trên sản phẩm lãi suất 0% vì lãi phạt trên dư nợ gốc quá hạn dựa trên lãi trong hạn, mà lãi trong hạn với sản phẩm là 0%. Việc này sẽ làm mất đi ý nghĩa của các chế tài cho những khách hàng vi phạm cam kết tại hợp đồng vay, đồng thời gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát nợ xấu.
Quy định này có thể khiến các công ty tài chính không thể tiếp tục cung cấp những sản phẩm cho vay trả góp lãi suất 0%, khiến người dân mất đi khả năng tiếp cận với các sản phẩm có lãi suất ưu đãi này. Ngoài ra, với những doanh nghiệp có số lượng khách hàng lớn và việc quản lý, phê duyệt khoản vay đều được tự động hóa trên hệ thống, việc thay đổi cách tính lãi phạt sẽ làm tăng chi phí cho công ty vì phải cấu trúc lại hệ thống từ lõi.
Quan trọng hơn, việc tính lãi phạt theo cách Dự thảo yêu cầu sẽ khiến mức phạt của khách hàng thay đổi theo từng ngày, và sẽ rất khó khăn cho công ty tài chính giải thích một cách rõ ràng, dễ hiểu cho khách hàng.
- Theo bà, để có thể tháo gỡ những khó khăn đó thì bản dự thảo nên được góp ý ra sao trước khi trở thành Thông tư, có hiệu lực?
- Chúng tôi hiểu rằng điều khoản này nhằm bảo vệ người tiêu dùng tránh khỏi việc bị áp dụng nhiều chế tài cho cùng một hành vi vi phạm hoặc mức phạt quá cao đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép công ty tài chính đưa ra một mức phạt vi phạm hợp đồng áp dụng cho bất kỳ hành vi vi phạm cam kết nào, bao gồm cả vi phạm nghĩa vụ thanh toán, theo phần trăm hoặc một số tiền cụ thể nhưng hợp lý nhằm đảm bảo tính minh bạch và dễ hiểu.
Điều này giúp khách hàng hiểu rõ hơn trách nhiệm thanh toán tiền vay đúng hạn, qua đó, gián tiếp giảm nợ xấu của các công ty tài chính. Quy định này cũng phù hợp với quy định tại Điều 418 của Bộ luật dân sự năm 2015 sắp có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2017 tới đây.
- Như bà vừa trao đổi, dự thảo nhằm đảm bảo tính minh bạch bảo vệ người tiêu dùng. Đứng ở góc độ bên cho vay, trách nhiệm của công ty tài chính là như thế nào?
- Không chỉ người tiêu dùng cần nâng cao kiến thức tài chính, mà các công ty tài chính cũng phải minh bạch và thực hiện cho vay có trách nhiệm hơn. Dự thảo quy định rõ ràng về nghĩa vụ minh bạch của doanh nghiệp và những thông tin họ cần cung cấp cho người tiêu dùng khi cấp khoản vay, ký hợp đồng là một đổi mới quan trọng. Mục tiêu của việc này là lành mạnh hóa thị trường tín dụng tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Công ty Home Credit chúng tôi rất hoan nghênh những quy định mới này.
Thu Ngân
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020