Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang từng bước mở rộng hình thức cầm cố tài sản đảm bảo thế chấp theo xu hướng chung của nền kinh tế thị trường là vay vốn ngân hàng đảm bảo bằng tài sản trí tuệ (TSTT).
Các loại tài sản đảm bảo cho khoản vay trước giờ thường là bất động sản, nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ, để giảm rủi ro tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản, TSTT được xem là giải pháp hiệu quả đối với các ngân hàng thương mại, qua đó tạo động lực để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản cố định để cầm cố, trong khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp này rất lớn. Do đó, được vay vốn ngân hàng theo hình thức tín chấp hoặc vay cầm cố bằng TSTT sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thừa nhận điều này, ông John Kinzerm, Giám đốc Điều hành khối mạng lưới châu Á NH Silicon Valley, cho biết, đã giải quyết hơn 300 hồ sơ vay thế chấp bằng TSTT. Trong đó, những lĩnh vực được ưu tiên là phần mềm, công nghệ y tế, phần cứng và công nghệ sạch.
Năm 1975, tổng tài sản vô hình là 17% và hữu hình là 83%. Đến năm 2010, tài sản vô hình tăng lên 80%, trong khi tài sản hữu hình chỉ còn lại 20%. Như vậy, việc mở rộng cho vay thế chấp theo tài sản vô hình là xu hướng tất yếu mà ngân hàng phải thực hiện. Tuy nhiên, nếu không có một giới hạn nhất định của Luật Tín dụng thì ngân hàng khó mạnh tay chuyển hướng.
Để đưa ra quyết định về việc cho vay, NHTM thường dựa vào các tiêu chuẩn như tính hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, khả năng tài chính của người đi vay, mục đích sử dụng tiền vay, số tiền vay... nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất rủi ro xảy ra. NHNN khuyến khích việc cho vay bằng TSTT mà không có những thay đổi chính sách kèm theo thì khó mà thực hiện được.
Xem xét một cách khách quan, các khía cạnh pháp lý về giao dịch bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ xoay quanh 3 chủ thể: Bên sở hữu tài sản trí tuệ, bên nhận tài sản trí tuệ và cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng. Rõ ràng, nếu cơ quan nhà nước không hoàn thiện bộ khung pháp luật về giao dịch đảm bảo sử dụng tài sản dựa trên giá trị của chúng để phổ biến rộng rãi thì sự lưu tâm sẽ không được đặt đúng chỗ từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho vay thế chấp bằng tài sản trí tuệ chưa phát triển thực chất không phải là ý chí của một bộ ngành hay cơ quan nào mà đó là hệ quả của quá trình áp dụng pháp luật vào thực tiễn đời sống. Đứng về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có các biện pháp tích cực hơn, mạnh mẽ hơn và chủ động hơn nữa để sớm có tiếng nói chung trong vấn đề cho vay đảm bảo bằng tài sản trí tuệ.
Mặt khác, do có lợi thế là nước đi sau nên các Ngân hàng thương mại Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai để từ đó áp dụng thành công vào thực tế cho vay.
Vay vốn ngân hàng thế chấp bằng TSTT là hình thức cho vay ưu việt và nên được áp dụng, tuy nhiên để hình thức vay vốn này mang lại hiệu quả thì NHNN và các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành nhiều các điều kiện liên quan cũng như bổ sung, thay đổi Luật tín dụng để hạn chế thấp nhất rủi ro.
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020