[Infographic] Công ty tài chính - ngày ấy & bây giờ

Nếu như trước đây, phần lớn Công ty tài chính trực thuộc DNNN đóng vai trò một đơn vị đầu tư trong nội bộ thì nay đã có nhiều ngân hàng thông qua mua lại đang sở hữu cho riêng mình công ty tài chính để phát triển mảng tín dụng tiêu dùng.

 

Theo NĐ- CP số 79/2002 thì Công ty Tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng (không huy động tiền gửi của dân cư hay cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng), với chức năng là sử dụng vốn tự có, vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư, cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ,.. và không được làm dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới một năm.

 

Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 tiếp tục quy định về các hoạt động được phép thực hiện của công ty tài chính, bao gồm Nhận tiền gửi của tổ chức; Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn; Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng; Bảo lãnh ngân hàng; Phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính; Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh, cấp tín dụng được phép; ủy thác vốn cho tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng;...

 

Trước đây, góp mặt chủ yếu trong hệ thống công ty tài chính là công ty trực thuộc DNNN đóng vai trò một đơn vị đầu tư trong nội bộ Công ty mẹ như thu xếp các khoản cho vay, quản lý nguồn tiền mặt và tình hình tiền mặt, quản lý đầu tư các khoản tiền chưa sử dụng đến cho các Công ty con trong nội bộ.

 

Tuy vậy, chỉ trong vòng 4 năm, từ 2012 tới nay, diện mạo của hệ thống các công ty tài chính đã có sự thay đổi đáng kể. Nhiều công ty tài chính trực thuộc DNNN đã biến mất thông qua hợp nhất, sáp nhập, đổi chủ.

 

Công ty tài chính Dầu khí (PVFC), đơn vị có vốn điều lệ lớn nhất trong các công ty tài chính, đã hợp nhất với Western Bank trở thành PVComBank từ năm 2013. Cuối năm 2015, công ty tài chính Cao su cũng đã sáp nhập vào công ty mẹ Tập đoàn Cao su Việt Nam, chính thức xóa tên khỏi danh sách các công ty tài chính đồng thời để lại gánh lỗ, gánh nợ chuyển giao lại cho Tập đoàn.

 

Cùng với hàng loạt thương vụ mua bán diễn ra trong bốn năm qua, số lượng công ty tài chính thuộc DNNN đã giảm từ 12 xuống còn 5 công ty. Xu hướng này sẽ vẫn còn diễn ra khi nhiệm vụ thoái vốn ngoài ngành của các DNNN liên tục được đốc thúc, cùng nhu cầu sở hữu một công ty tài chính để phát triển mảng tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng.

 

Tín dụng tiêu dùng đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành mảng kinh doanh đầy hấp dẫn nhờ sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu trước, sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán,... Chỉ tính riêng trong năm 2016, tín dụng tiêu dùng ước tăng 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng, trong khi năm 2015 là 9,8%.

 

Cùng NDH nhìn lại sự thay đổi của hệ thống các công ty tài chính trong gần nửa thập kỷ qua:

 

 

Theo Thế giới ngân hàng

Tư vấn khoản vay