Khó có thể áp dụng trần lãi suất với vay tiêu dùng

Áp trần là phi thị trường, phi thực tế và điều này đôi khi còn khiến cho người tiêu dùng khó tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng hơn.

 

 

Theo Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) quy định: “... lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…”, dư luận đang đặt ra câu hỏi hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC có bị điều chỉnh theo quy định trên? Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính NH xoay quanh chủ đề này.

 

Theo quan điểm của ông, trần lãi suất 20% tại Bộ luật Dân sự liệu có thể sử dụng để áp dụng cho hoạt động cho vay của các TCTD hay không?

 

Theo tôi, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ các điều khoản nêu trong Bộ luật Dân sự 2015. Bởi, Bộ luật đã phân định rất rõ, không chỉ đưa ra mức trần lãi suất 20% mà còn quy định thêm rằng: “Trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Điều khoản nào đưa ra cũng có cái lý của nó, nếu không thì Quốc hội đã không bổ sung điều khoản này vào Bộ luật Dân sự 2015.

 

Để trả lời cho câu hỏi của bạn, tôi khẳng định mức trần 20% khó có thể áp dụng đối với cho vay tiêu dùng, vì hoạt động này chứa ẩn khá nhiều rủi ro. Còn vì sao cho vay tiêu dùng lại rủi ro? Đơn giản, vì tài chính tiêu dùng là cho vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo, thủ tục nhanh gọn, lại nhiều khoản chi phí nhỏ lẻ…

 

Trong khi đó, khách hàng của lĩnh vực này phần lớn là đối tượng thu nhập thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu áp trần lãi suất chung như quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 sẽ khiến thị trường tài chính tiêu dùng bị méo mó, đánh đồng và không có sự phân biệt giữa khách hàng rủi ro và không rủi ro.

 

Chính vì vậy, để tường tận về những quy định nêu trong Bộ luật Dân sự 2015 và tránh những hiểu nhầm như hiện nay, cơ quan chuyên ngành, cơ quan quản lý mà cụ thể là NHNN cần thiết phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn; sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành sao cho phù hợp và không trái với Bộ Luật Dân sự.

 

Nhưng thưa ông hiện mức lãi suất cho vay tiêu dùng trên thị trường đang khá cao. Việc áp trần lãi suất như Bộ luật Dân sự 2015 quy định sẽ giải quyết được vấn đề này?

 

Muốn giải quyết câu chuyện lãi suất, theo tôi trước tiên phải quan tâm thực hiện hiệu quả đồng thời ba vấn đề sau: Thứ nhất là kiểm soát lạm phát; Thứ hai là phải quản lý tốt hơn chi phí hoạt động của các TCTD, hay nói cách khác là hệ thống TCTD phải hoạt động hiệu quả hơn; Thứ ba là kiểm soát và xử lý nợ xấu.

 

Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm là: Đã theo cơ chế thị trường thì phải để thị trường tự điều chỉnh lãi suất, không nên can thiệp một biện pháp hành chính hay một mức trần cụ thể nào cả.

 

Theo như ông nói thì chúng ta không nên áp chế biện pháp hành chính vào thị trường cũng như đặt trần lãi suất đối với hoạt động cho vay tiêu dùng. Vậy đâu là cơ sở để chứng minh cho luận điểm trên, thưa ông?

 

Kinh nghiệm ở các nước tiên tiến trên thế giới cho thấy, họ không bao giờ áp trần lãi suất. Một số nước đang phát triển hiện cũng đang dần gỡ bỏ quy định này. Bởi, nói đến thị trường là chúng ta nói đến câu chuyện thuận mua vừa bán dựa trên việc thoả thuận giữa TCTD và người vay.

 

Áp trần là phi thị trường, phi thực tế và điều này đôi khi còn khiến cho người tiêu dùng khó tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng hơn. Ví dụ, khi mức trần không hấp dẫn, các CTTC và NH hạn chế cho vay bằng cách siết chặt thủ tục, điều này sẽ khiến khả năng tiếp cận với tài chính NH của người tiêu dùng, nhất là đối tượng thu nhập thấp bị thu hẹp.

 

Để lãi suất giảm, thay vì phải áp trần, hệ thống NH cần minh bạch hoá thông tin, đặc biệt là thông tin về tài chính tiêu dùng, phí, việc trả nợ... Về phía khách hàng, phải trang bị cho mình kiến thức về tài chính tiêu dùng; đọc và suy ngẫm thật kỹ hợp đồng vay, nhất là điều khoản về thanh toán, tính toán tỉ mỉ về tình hình thu chi cá nhân, tránh trường hợp không trả được nợ, bị phạt lãi suất cao thì lại đi kiện.

 

Cùng với đó, NHNN cũng cần phải sớm ban hành quy định về cho vay tiêu dùng, để giúp cho tài chính tiêu dùng hoạt động một cách minh bạch và hiệu quả.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thanh Trúc thực hiện

 

Thời báo Ngân hàng

Tư vấn khoản vay