Nhiều người dân chấp nhận gửi tiền USD không hưởng lãi, sau đó dùng sổ tiết kiệm ngoại tệ này để vay tiền đồng với lãi suất thấp, rồi tiếp tục tìm ngân hàng có lãi suất huy động cao hơn gửi vào hưởng chênh lệch và đợi tỷ giá tăng.
Chị Lan ở Quận 6, TP HCM cho biết, hàng năm gia đình thường được nhận những khoản tiền gửi USD từ nước ngoài về và hầu như gia đình chị đều gửi vào ngân hàng để dùng khi cần hoặc đợi giá cao mới bán.
Chị cho biết, gia đình chị đang có 50.000 USD (khoảng hơn 1,1 tỷ đồng) trong tài khoản ngân hàng. Tuy gửi USD không tính lãi nhưng gia đình chị đã dùng sổ tiết kiệm này để cầm cố vay tiền đồng lãi suất chỉ khoảng 7%/năm. Sau đó chị lấy số tiền đó gửi ngân hàng khác có lãi suất huy động là 8%/năm. Như vậy, gia đình chị vừa được hưởng lãi suất gần 1%, lại vừa có thể chờ giá USD tăng.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP HCM cho hay, điều này là hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng chỉ với những trường hợp khách hàng cầm cố/thế chấp sổ để vay ngân hàng này rồi gửi tiết kiệm ngân hàng khác. Còn cùng thực hiện các giao dịch này tại cùng một ngân hàng thì không có.
Hiện nay, nhiều ngân hàng khá cạnh tranh về mức lãi suất cho vay, đặc biệt là những khoản vay được cầm cố hay thế chấp bằng sổ tiết kiệm (do ít rủi ro cho ngân hàng) thì lãi suất thường rất mềm. Mức lãi cho vay tùy vào chính sách mỗi ngân hàng, dao động tầm dưới 7% là bình thường. Trong khi đó, lãi suất huy động đầu vào lại khá cao tại nhiều ngân hàng, có nơi lên trên 8%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng xác nhận, hiện nay nhiều cá nhân mang USD đi gửi tiết kiệm rồi lấy sổ tiết kiệm này đi vay tiền đồng lãi suất thấp, tầm 5 - 6%/năm rồi lại gửi tiếp vào ngân hàng hưởng lãi suất tiền gửi VND 7 - 8%/năm.
“Như vậy họ vừa hưởng chênh lệch tiền đồng, lại vừa kỳ vọng vào sự tăng giá của đồng USD. Tuy đây chỉ là con số ít, chưa thành xu thế nhưng Ngân hàng Nhà nước TP HCM đang theo dõi chặt chẽ tình hình để có hướng xử lý phù hợp tránh để dòng vốn chạy lòng vòng, tạo sự tăng trưởng ảo”, ông Minh nói.
Ngoài ra, ông cho biết thêm từ khi áp dụng chính sách lãi suất USD 0%, tiền gửi ngoại tệ của cá nhân trên địa bàn thành phố liên tục giảm. Vào hai tháng đầu năm 2016, huy động ngoại tệ giảm 3,5% (tín dụng ngoại tệ giảm 4,9%).
"Trong số ngoại tệ huy động giảm này thì có đến 60% là chuyển sang nắm giữ tiền đồng để gửi lấy lãi", ông Minh cho biết.
Với những dữ liệu trên, ông Minh cho rằng, chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% đã phần nào tạo được sự dịch chuyển, tức người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sang tiền đồng và nguồn lực ngoại tệ đó đã được sử dụng để phục vụ cho nền kinh tế.
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020