Kỳ vọng lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm

Ngày 26/9, hàng loạt TCTD lớn, trong đó có các NHTM Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới một năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm. Đây là cơ hội kỳ vọng lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn có thể giảm thêm.

 

 

Theo số liệu thống kê của NHNN, hiện nay, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các NHTM lớn công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

 

Trong xu thế giảm lãi suất của khối NH lớn, các NHTM có quy mô tầm trung cũng công bố giảm lãi suất. Đơn cử, mới đây, NH Đông Á giảm lãi suất hầu hết các kỳ hạn từ 1 tuần đến 13 tháng với mức giảm từ 0,1-0,3%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là kỳ hạn 9 tháng với mức 0,3%/năm, còn các kỳ hạn khác phổ biến ở mức từ 0,1-0,2%/năm.

 

Sau khi giảm, mức lãi suất phổ biến áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm. Các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm. Các kỳ hạn dài hơn, từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm…

 

Đây được xem là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và nền kinh tế chứ không phải vì một lý do nào khác.Nhìn chung, việc giảm lãi suất lần này tại các NHTM khá bất ngờ đối với thị trường, nhiều người biện giải chắc rằng các NH đang thừa tiền nên mới giảm lãi suất dịp cuối năm. Tuy nhiên, theo lý giải từ phía NHNN, động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các NHTM là đúng theo lộ trình mà khối NH cam kết.

 

Cụ thể hơn, từ đầu năm đến nay, NHNN đã bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên NH ở mức thấp; tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các TCTD, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

 

Với chủ trương kích cầu tín dụng tạo đà tăng trưởng kinh tế trong 2016, NHNN thời gian qua liên tục chỉ đạo các NH ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển.

 

Rõ ràng, lần giảm lãi suất này của các NHTM là tín hiệu tích cực, người vay có quyền kỳ vọng khối NHTM tính toán giảm lãi suất cho vay, nhất là lãi vay vốn trung, dài hạn trong thời gian tới.

 

Thừa nhận điều này, một lãnh đạo NHTM nói rằng, việc giảm lãi suất huy động lần này của các NH dựa trên cơ sở cân đối lại tình hình thanh khoản, đặc biệt tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại từ tháng 7 âm lịch đến nay. Theo đó, một số NH trước đây đã áp dụng lãi suất huy động và cho vay cao nay buộc phải điều chỉnh lại cho phù hợp với mặt bằng chung. “Điều này cũng đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sắp tới có thể sẽ được điều chỉnh giảm, đáp ứng đúng với kỳ vọng của người vay”, vị lãnh đạo NH chia sẻ.

 

Đưa ra quan điểm về lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn trong thời gian tới, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, xét theo nhu cầu của thị trường, có thể cầu tín dụng cuối năm nay sẽ cải thiện so với năm rồi.Để khơi được dòng chảy tín dụng các NH xem xét giảm thêm lãi suất là hợp lý. Trong đó, giảm lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn ít nhất khoảng 1,5-2% là điều mà các NH có thể tính tới.

 

Bởi với trần lãi suất huy động khoảng 5%/năm hiện nay, theo TS. Lịch, việc giảm thêm lãi suất cho vay trung, dài hạn không ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NH khi biên lợi nhuận thu về vẫn có.

 

Một vị chuyên gia tài chính khác cũng phân tích, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng được các NH áp dụng không quá 7%/năm đối với 5 lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên đang phát huy tác dụng tốt. Theo đó, các NH có thể nhân rộng áp dụng mức lãi suất thấp cho một số ngành nghề, lĩnh vực khác có tiềm năng phát triển.

 

Điều này hoàn toàn có thể làm được vì các NH đã đồng loạt giảm lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng, người dân vẫn tiếp tục chọn gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất trước tình hình các kênh đầu tư khác chưa tăng. Như vậy, các NH đang có điều kiện tốt để cơ cấu lại nguồn vốn, từ đó giảm thêm lãi suất cho vay trung, dài hạn theo đúng mục tiêu mà NHNN đặt ra.

 

“Nhìn chung, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 8-9%/năm là đẹp để thúc đẩy DN vay mở rộng sản xuất kinh doanh. Hoặc chí ít, lãi suất cũng chỉ nên xoay quanh mức 9-10%/năm, mức này dù không phải là thấp nhưng là lý tưởng để các DN mới có thể chấp nhận được. Bên cạnh việc cho vay sản xuất kinh doanh, các NH cũng có thể xem xét giảm lãi suất và giám sát chặt dòng vốn tín dụng vào bất động sản thì cuối năm, việc cho vay vốn trung dài hạn sẽ rất sôi động”, vị chuyên gia trên nói thêm.

 

Thực tế, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, mức lãi suất cho vay trung, dài hạn 10 - 11%/năm được các NH áp dụng chủ yếu rơi vào các khoản cho vay phi sản xuất. Còn lãi suất cho vay trong chương trình kết nối NH – DN đã ở dưới mức 9%/năm. Riêng lãi suất cho vay tại các NHTM có vốn nhà nước chỉ trên dưới 8%/năm.

 

Như vậy, lãi suất trung và dài hạn thời gian qua đã giảm khá mạnh, hỗ trợ DN kinh doanh một cách tích cực. Thế nhưng, nay lãi suất huy động có cơ sở giảm thêm thì các NH tiếp tục cân đối lại lãi suất cho vay trung dài hạn. Cũng theo ông Minh, tăng trưởng tín dụng hiện nay không còn gặp khó đối với rào cản áp lực lãi suất.

 

Là người trực tiếp tham gia quá trình cho vay DN, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank khẳng định lãi suất cho vay trung, dài hạn hiện nay đã giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước.

 

Đáng chú ý, với lãi suất ngắn hạn cũng được NH điều chỉnh giảm mạnh. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, Sacombank triển khai rất nhiều gói cho vay tiền đồng dành cho tất cả DN, trong đó ưu tiên DNNVV. Trong đó, DN vay vốn sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 6,5% một năm cho khoản vay ngắn hạn. Mức 7,5% dành cho khoản vay trung dài hạn.

 

Lãnh đạo của một chi nhánh BIDV cho biết, NH này cũng đang tính toán lại lãi suất cho DN có nhu cầu vay trung dài hạn để sửa chữa hoặc đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn theo mức hợp lý nhất. Còn đối với các hoạt động tài trợ vốn ngắn hạn cho DN nhập khẩu, NH cũng đang cho vay lãi suất không quá 6,5%.

 

Nguồn: ndh.vn

Tư vấn khoản vay