Chọn lãi suất cố định hay lãi suất thả nổi? Đó là băn khoăn thường gặp khi bạn đang muốn làm hồ sơ vay vốn. Để tối ưu hóa lợi ích của mình và tránh được những rủi ro về lãi suất, cần xác định rõ ưu nhược điểm của từng loại.
Lãi suất cố định:
- Là lãi suất được ấn định 1 mức cụ thể trong hợp đồng vay vốn, không chịu tác động của những biến động lãi suất thị trường
- Không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn tại ngân hàng.
- Thông thường áp dụng trong cho vay ngắn hạn.
Ví dụ: Anh Tuấn vay số tiền 15 triệu trong vòng 2 năm với mức lãi suất cố định là 12%/ năm.
Như vậy: Số tiền (gốc + lãi)/tháng = 15tr/24 tháng(tiền gốc) + 15tr * 1%/tháng(tiền lãi) = 775 nghìn đồng/tháng, và tháng nào anh Tuấn cũng đóng số tiền đó trong suốt 2 năm.
Lãi suất thả nổi:
- Là lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ, biến đổi theo thời gian.
- Mức điều chỉnh và kỳ điều chỉnh lãi suất sẽ theo thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng và được quy định rõ trên hợp đồng vay vốn. Thông thường, kỳ điều chỉnh lãi suất là 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, hoặc 1 năm/lần. Mức điều chỉnh lãi suất thường được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lớn hơn hoặc bằng 12 tháng (tùy mỗi ngân hàng)+ biên độ nhất định (nhưng không vượt quá mức khống chế trần lãi suất của ngân hàng nhà nước); hoặc bằng lãi suất cho vay công bố của ngân hàng tại thời điểm điều chỉnh.
- Thông thường áp dụng cho vay trung và dài hạn.
Ví dụ: Anh Bắc vay thế chấp số tiền 15 triệu đồng trong 2 năm với mức lãi suất 0,8%/tháng trong vòng 6 tháng đầu. Sau 6 tháng đó lãi suất sẽ thả nổi và được ước tính vào khoảng 1,25%/tháng
Như vậy: số lãi suất anh Bắc phải đóng mỗi tháng trong 6 tháng đầu sẽ là: 15tr/24 tháng + 15tr*0,8% = 745 nghìn đồng/tháng.
Sau thời gian này, lãi suất anh Bắc phải chịu là: 15tr/24 tháng + 15tr*1,25% = 812 nghìn đồng
Nếu so sánh với anh Tuấn ở trên, số tiền phải đóng mỗi tháng trong 6 tháng đầu của anh Bắc sẽ nhỏ hơn. Tuy nhiên, sau 6 tháng, số tiền anh Bắc phải đóng gần như chắc chắn sẽ cao hơn.
Lãi suất cố định
- Ưu điểm
+ Dự tính được chính xác số tiền lãi phải thanh toán cho ngân hàng suốt thời gian vay thế chấp, từ đó tạo thuận lợi trong kế hoạch quản lý cũng như cân đối tài chính của bạn.
+ Không bị tác động do những biến động lãi suất trên thị trường. Nếu lãi suất thị trường tăng so với thời điểm vay thì bạn sẽ có lợi nhiều hơn, vì số tiền mà bạn phải trả cho ngân hàng vẫn không thay đổi theo lãi suất cũ.
- Nhược điểm:
Ngược lai, nếu lãi suất biến động giảm so với thời điểm vay, thì bạn vẫn phải thanh toán lãi cho Ngân hàng theo lãi suất cũ, cao hơn lãi suất của thị trường thời điểm đó. Trường hợp này thì bạn sẽ là người chịu thiệt.
Lãi suất thả nổi
- Ưu điểm:
Áp dụng lãi suất thả nổi trong điều kiện nền kinh tế thị trường có nhiều biến động cũng là điều hợp lý. Vì khi lãi suất thị trường biến động giảm thì số tiền lãi mà bạn thanh toán cho ngân hàng trong kỳ điều chỉnh sẽ thấp hơn.
- Nhược điểm:
+ Chọn lãi suất thả nổi giống như “con dao hai lưỡi”. Khi lãi suất thị trường giảm thì sẽ rất tốt nhưng khi lãi suất thị trường biến động tăng so với thời điểm vay thì số tiền lãi phải thanh toán cho ngân hàng sẽ nhiều hơn (vì phải chịu điều chỉnh mức lãi suất cao hơn). Mặt khác, khi lựa chọn hình thức thả nổi, bạn chỉ dự tính được chính xác số tiền lãi phải thanh toán cho ngân hàng trong kỳ đầu tiên (nếu không tính khuyễn mãi), bắt đầu kỳ thứ 2 trở đi thì lãi suất thay đổi theo thị trường, vì vậy bạn sẽ gặp khó khăn trong việc chủ động về mặt tài chính.
+ Rủi ro càng gia tăng nếu bạn vay trong thời gian dài (trên 5 năm). Khi đó, không ai có thể đảm bảo các biến động của nền kinh tế có thể ảnh hưởng như thế nào đến lãi suất, và việc lãi suất bạn phải trả bị vọt lên rất cao (gấp đôi hoặc gấp rưỡi) là hoàn toàn có thể xảy ra.
Nếu tính trong suốt thời gian vay thế chấp, thường thì lãi suất cố định sẽ cao hơn và có tổng chi phí vay vốn cao hơn. Nhưng trên khía cạnh kế hoạch tài chính, loại này sẽ có lợi hơn cho người đi vay, vì sẽ biết trước chắc chắn mỗi tháng phải trả tiền gốc và tiền lãi bao nhiêu, nhờ vậy có thể chủ động hơn trong kế hoạch tài chính của mình.
Còn đối với lãi suất thả nổi, đây cũng sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan nếu như bạn hiểu được xu thế lãi suất và nắm rõ các kỳ điều chỉnh lãi suất để tiến hành đáo hạn kịp thời trước khi lãi suất được điều chỉnh tăng.
Tóm lại, việc chọn trả lãi suất thấp trong ngắn hạn hoặc chấp nhận trả lãi suất cao mà ổn định trong dài hạn đều phụ thuộc vào sự tính toán cẩn thận về khả năng tài chính, quản lý rủi ro của mỗi khách hàng sao cho thích hợp.
Nếu lãi suất được dự kiến sẽ giảm trong tương lai gần và thời gian vay không quá dài, quyết định chọn lãi suất thả nổi chắc chắn sẽ rất tốt. Ngược lại, nếu thích sự chắc chắn và muốn nắm thế chủ động, bạn nên chọn lãi suất cố định.
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020