Lãi suất ngân hàng: Nơi đột ngột giảm, nơi âm thầm tăng

Lãi suất ngân hàng đang trong tình trạng không đồng thuận, nơi đột ngột giảm mạnh nhưng có nơi âm thầm tăng lên 8,2%/năm.

Sau Tết, lãi suất ngân hàng lại “nóng” hầm hập. Nhiều ngân hàng đua nhau niêm yết lãi suất huy động ở mức “đỉnh” hoặc sát “đỉnh”.

 

Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng Quốc Dân (NCB), ngân hàng Xây dựng (CB) dẫn đầu thị trường với mức “trần” 8%/năm.

 

NCB và CB vẫn duy trì mức lãi suất cao nhất thị trường 8%/năm. Tại NCB, các kỳ hạn còn lại được niêm yết lãi khá cao. Lãi suất tại kỳ hạn 18 tháng là 7,8%/năm. Mức 7,5%/năm được áp dụng tại 5 kỳ hạn từ 13 tháng tới 60 tháng.

 

 

Lãi suất ngân hàng biến động mạnh. (Ảnh minh họa: KT)

 

Nơi đột ngột giảm

 

Tuy nhiên, hiện nay, VPBank đã “hạ nhiệt” lãi suất. Kể từ ngày 9/3, ngân hàng này niêm yết biểu lãi suất mới. Theo đó, mức lãi cao nhất tại VPBank giảm 0,2% xuống còn 7,8%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Điều kiện đi kèm mà khách hàng phải đáp ứng chính là khoản tiền gửi trị giá trên 5 tỷ đồng.

 

7,8%/năm là mức lãi suất áp dụng cho hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến. Còn với hình thức thông thường, VPBank chỉ cung cấp mức cao nhất 7,6%/năm. Kỳ hạn áp dụng là 36 tháng với số tiền gửi tiết kiệm lên tới trên 5 tỷ đồng.

 

Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (Pvcombank) cũng không duy trì mức lãi “sát trần”. Sau Tết, lãi suất cao nhất tại Pvcombank thường xuyên là 7,9%/năm. Nhưng theo biểu lãi suất mới, con số này chỉ còn 7,7%/năm.

 

Tại Pvcombank, có tới 4 kỳ hạn nhận được mức lãi 7,7%/năm, đó là 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng.

 

Từ 8/3, ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (Vietcapital Bank) thay đổi biểu lãi suất. Theo đó, mức “trần” vẫn được duy trì ở mức 7,9%/năm nhưng lãi ở các kỳ hạn ngắn hơn đã giảm nhẹ. Lãi suất huy động ở các kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng lần lượt là 7,4%/năm và 7,5%/năm.

 

Nơi âm thầm tăng

 

Trong khi khá nhiều đơn vị giảm lãi suất, ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lại điều chỉnh tăng. Kể từ 24/2, mức lãi suất cao nhất tại Eximbank tăng mạnh lên 8%/năm ở 2 kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.

 

Đặc biệt, Eximbank đã trở thành đơn vị có lãi suất ngân hàng cao nhất hệ thống khi cung cấp dịch vụ “Lãi suất tiết kiệm online”. Gửi tiền trên Internet Banking , Mobile Banking, khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất thưởng 0,2%/năm so với lãi suất gửi tại quầy đối với kỳ hạn gửi từ 1 tháng trở lên.

 

Như vậy, lãi suất huy động cao nhất tại Eximbank là 8,2%/năm. Đây cũng là mức cao nhất trên toàn hệ thống ngân hàng.

 

Cùng với Eximbank, ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Tecchombank) là 2 đơn vị hiếm hoi tăng lãi suất. Từ 10/2, tại Techcombank, mức lãi suất cao nhất là 7,1%/năm, tăng 0,1% so với hồi đầu tháng 2. Muốn nhận được mức lãi cao này, khách hàng phải gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 36 tháng.

 

Trong khi đó, lãi suất ngân hàng tại nhiều đơn vị còn lại không đổi, vẫn “neo” ở mức khá cao. Tại ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), lãi suất cao nhất là 7,7%/năm. Tuy nhiên, nếu gửi tiết kiệm trực tuyến, khách hàng sẽ được hưởng 7,8%/năm. Muốn nhận được lãi suất 7,8%/năm, khách hàng phải gửi trên 500 tỷ đồng và ở kỳ hạn 13 tháng.

 

Mặc dù sau Tết nhiều ngân hàng đang “leo” đỉnh lãi suất tiết kiệm nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ đạo giảm lãi suất cho vay.

 

Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á cũng ghi tên mình trong top các đơn vị có lãi suất ngân hàng cao nhất. Với những khoản tiết kiệm giá trị trên 100 triệu đồng ở các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, khách hàng sẽ nhận được lãi suất 7,8%/năm.

 

Các ngân hàng lớn không thay đổi biểu lãi suất. Lãi suất ở những đơn vị này vẫn đứng ở mức thấp hơn. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lần lượt niêm yết ở mức 6,5%/năm, 7%/năm và 6,9%/năm./.

Theo Thanh Hà

VTC News

Tư vấn khoản vay