Sau khi liên tục giảm trong nửa đầu năm, lãi suất huy động một số ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng trở lại từ tháng 6, tháng 7.
Các ngân hàng gia tăng huy động nguồn vốn trung và dài hạn nên chủ yếu điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, mức tăng phổ biến từ 0,1-0,3 điểm phần trăm. Lãi suất các kỳ hạn ngắn hầu như không có sự thay đổi hoặc tăng nhẹ sau khi đã giảm mạnh hồi tháng 3 - tháng 5.
Techcombank mới đây công bố biểu lãi suất mới, áp dụng từ ngày 6/8, điều chỉnh lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm lên 4,6%/năm đối với tài khoản tiền dưới 1 tỷ; với khách hàng ưu tiên mức lãi suất có thể lên đến 4,7-5%/năm (tùy vào số tiền gửi tiết kiệm). Lãi suất ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng cũng tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm lên mức 6,5%; khách hàng gửi tiết kiệm online có thể được hưởng lãi suất 6,8%.
Các ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn
Trước Techcombank, nhiều nhà băng khác cũng đã tăng lãi suất trong tháng 7. Chẳng hạn, ACB áp dụng biểu lãi suất mới, chia nhiều mức tiền gửi với các mức lãi suất khác nhau. Thay vì áp dụng mức lãi suất 6,9%/năm kỳ hạn 18 tháng chung cho tất cả các mức tiền gửi như hồi tháng 5, ACB đã tách ra thành các mức khác nhau: dưới 200 triệu lãi suất 6,9%; 200 triệu đến 1 tỷ lãi suất 7%; 1 tỷ đến 5 tỷ lãi suất 7,1%; 5 tỷ đến 10 tỷ lãi suất 7,15%; trên 10 tỷ hưởng lãi suất 7,2%.
Mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại nhà băng này hiện là 7,2%/năm đối với kỳ hạn 18 tháng, số tiền gửi trên 10 tỷ. Mức lãi suất này đã tăng 0,3 điểm phần trăm so với hồi tháng 5. Các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng hầu như không có thay đổi, tuy nhiên ngân hàng đã cộng thêm khoảng 0,05 đến 0,1 điểm phần trăm cho các khách hàng số tiền gửi lớn từ 5 tỷ trở lên.
Tại MB, đối với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất hiện nay là 4,8%/năm, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức khảo sát hồi tháng 6. Lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm lên 4,9%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 7,5%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 24 tháng.
Một ngân hàng tư nhân lớn khác là VPBank cũng đã tăng lãi suất từ giữa tháng 7 để thu hút người gửi tiền cá nhân, mức tăng khoảng 0,1-0,2 điểm phần trăm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên mức 7,1%-7,3%/năm (tùy thuộc vào mức tiền gửi). Lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng cũng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên mức 7,2-7,4%/năm.
Eximbank áp dụng biểu lãi suất mới hồi cuối tháng 7. Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này lên tới 8%, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.
Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn rục rịch tăng lãi suất huy động trở lại thì các ngân hàng có vốn chi phối của nhà nước vẫn đang giữ lãi suất ở mức thấp. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 năm tại Vietcombank hiện là 6,4%, thấp hơn khoảng 0,4-0,8 điểm phần trăm so với các ngân hàng tư nhân. Trong khi đó lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng ở cả 4 ngân hàng có vốn Nhà nước đều ở mức cực thấp là 4,1%/năm.
>>> Xem thêm: So sánh lãi suất tiết kiệm tháng 8/2018 - Nên gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nào?
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020