Lên kế hoạch tái đề nghị cấp vốn ngay sau khi bị từ chối cho vay

Hồ sơ vay vốn của bạn bị ngân hàng từ chối? Thay vì buồn bã, thất vọng; có lẽ bạn nên tỉnh táo xem xét lại những hạn chế của mình, tích cực sửa chữa để chờ ngày tái đề nghị vay vốn.

 

Tại sao bạn bị từ chối?

Bạn nhất định phải tìm hiểu cho ra ngọn ngành về lý do mình bị từ chối cho vay. Theo luật do Ngân hàng Nhà nước ban hành, "trong trường hợp quyết định không cho vay, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản". Theo đó, tổ chức cho vay phải ra một văn bản nêu rõ lý do từ chối cho vay, cũng như tên của đơn vị phát ra thông báo đó. Nếu bạn cảm thấy những lý do từ chối không rõ ràng thì hãy làm rõ với nhân viên ngân hàng, hoặc tham vấn ý kiến của các chuyên gia tín dụng độc lập để tìm ra các hướng giải quyết mới.

 

Nâng cao ý thức về xếp hạng tín dụng và nợ xấu ngân hàng

Một trong những lý do phổ biến khiến nhiều người đi vay bị từ chối là do có yếu tố tiêu cực trên báo cáo tín dụng của họ. Yếu tố tiêu cực này đôi khi chỉ là do họ đã chậm trả nợ quá 30 ngày. Thông tin này nếu không được xử lý sớm sẽ được báo cáo lên CIC. Điều tệ hại là một khi bạn bị "nhúng chàm", thông tin tiêu cực này sẽ bám theo bạn trong nhiều năm và hủy hoại các kế hoạch tài chính trong tương lai của bạn. Cho dù chỉ là lần đầu tiên bạn chậm thanh toán thì cũng bị báo cáo nợ xấu và khiến cho bạn không thể vay vốn tín dụng từ 3-5 năm, thậm chí là mãi mãi đối với một số ngân hàng. Do đó, một khi bắt đầu một cam kết tín dụng, người đi vay cần phải ý thức một nguyên tắc trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Các tổ chức tín dụng thường theo dõi chặt chẽ hoạt động trả nợ của khách vay trong 24 tháng đầu tiên.

 

Đôi khi, trong trường hợp không có khả năng thanh toán đầy đủ khoản phải trả hàng tháng, bạn hãy gắng đàm phán với chủ nợ để thanh toán một khoản tối thiểu. Khoản thanh toán tối thiểu tuy không tốt bằng thanh toán đầy đủ nhưng lại tốt hơn nhiều nếu bạn không thanh toán đồng nào. Khoản thanh toán tối thiểu là cứu cánh đối với những người quá mệt mỏi vì nợ mà vẫn không làm tổn hại đến bảng xếp hạng tín dụng. Nếu bạn đang thực sự gặp khó khăn trong việc trả nợ thì nên đàm phán với bên cho vay để xin giãn nợ hoặc tìm kiếm các giải pháp thanh toán thay thế khác. Trong mọi trường hợp, bạn không nên im lặng trước các cuộc gọi hay thư nhắc nợ vì bạn sẽ có thể bị bên cho vay đánh giá có ý chí và ý thức trả nợ kém.

 

Tăng hạn mức tín dụng

Một trong những cách hiệu quả để nâng cao điểm tín dụng là đề nghị các chủ nợ hiện tại tăng hạn mức tín dụng cho bạn. Ví dụ, nếu hạn mức thẻ tín dụng hiện tại của bạn là 15 triệu, bạn có thể yêu cầu ngân hàng nâng lên mức 20 triệu. Trường hợp này chỉ khả thi khi bạn đang có một lịch sử tín dụng tốt, vì ngân hàng chỉ tăng hạn mức tín dụng cho một khách hàng khi đánh giá mối quan hệ tín dụng của người đó rất uy tín. Sau tất cả, ý nghĩa của bản báo cáo tín dụng là để đo lường rủi ro vay vốn của một người, vì vậy, nếu điểm tín dụng của bạn càng thấp thì bạn càng bị coi là rủi ro. Tuy đây là việc khó thực hiện nhưng nếu có cơ hội thì bạn nên gắng thực hiện, vì đôi khi sự cải thiện nhỏ cũng có thể làm nên chuyện.

 

"Tiết kiệm" hạn mức tín dụng của bạn

Bạn không nên thường xuyên sử dụng tối đa hạn mức tín dụng được cấp. Có một cách tốt để nâng điểm tín dụng và làm đẹp bản báo cáo tín dụng là chỉ sử dụng tối đa 33% hạn mức tín dụng của bạn. Nếu bạn thường xuyên sử dụng tối đa hạn mức thì sẽ gây hại cho điểm tín dụng của bạn, vì khi đó các ngân hàng cho rằng bạn luôn phải "vật lộn" với các khoản nợ, và khi bạn đi vay một khoản mới, họ sẽ duyệt cho bạn một hạn mức cho vay thấp, thậm chí từ chối cho bạn vay.

 

Khiếu nại nếu lỗi không phải tại bạn

Báo cáo tín dụng của bạn được hình thành trong quá trình trao đổi thông tin giữa trung tâm thông tin tín dụng và các tổ chức cho vay. Do vậy, việc xảy ra lỗi hoặc nhầm lẫn trong quá trình giao tiếp thông tin hoàn toàn có thể xảy ra. Các lỗi hay xảy ra thường là: thông tin chưa cập nhật, lỗi lặp lại, trạng thái thanh toán sai... Sửa chữa các lỗi đó là công việc khá phức tạp. Tuy nhiên, nếu bạn chắc chắn mình bị oan thì hãy tiến hành khiếu nại, vì các thông tin tiêu cực xuất hiện trên báo cáo của bạn có thể làm giảm đáng kể điểm tín dụng của bạn.

 

Hãy bắt đầu lại trên chính đôi chân của bạn!

Hành trình tái đề nghị cấp vốn sau khi bị từ chối có thể đòi hỏi ở bạn nhiều nỗ lực và kỷ luật. Nhưng quá trình khôi phục thứ hạng tín dụng này lại đem lại cho bạn nhiều bài học bổ ích và những thói quen tài chính lành mạnh. Bạn có thể bị từ chối lần này nhưng trên thực tế bạn vẫn chưa bị loại khỏi cuộc chơi. Vì vậy, hãy liên hệ với chuyên gia tín dụng để soạn ra một kế hoạch để được duyệt cho vay ở lần nộp đơn tiếp theo.

Tư vấn khoản vay