Trong giai đoạn 2014-2016, giá đất đã bứt phá và không ngừng leo thang trong năm 2017. Dự báo, trong năm 2018, cơn bão tăng giá đất vẫn chưa dừng lại.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa đánh giá, nhiều khả năng trong 12 tháng tới, tình trạng sốt đất đã xảy ra trong năm 2017 tại Tp.HCM sẽ vẫn tiếp tục lan rộng. Vị chuyên gia này đã đưa ra những lý do khiến giá đất Sài Gòn sẽ tiếp tục tăng phi mã trong năm mới.
Từ đầu quý I/2018, dù giá chào bán đợt sau cao hơn đợt trước nhưng nhiều dự án nhà phố, đất nền tại Tp.HCM vẫn đông khách, thậm chí cháy hàng. Cơn sốt đất năm 2017 tiếp tục truyền nhiệt sang năm 2018 khi các bất động sản liền thổ tại khu dân cư Green Life (Nhà Bè), khu đô thị Vạn Phúc (Thủ Đức), Cát Lái (quận 2) hay xa hơn là đất lô lớn đến nhỏ lẻ tại Cần Giờ đều có tốc độ giao dịch sôi động, giá liên tục nhích lên.
Phần lớn quỹ đất đẹp tại Tp.HCM hiện đã có chủ, hình thành khu dân cư hiện hữu hoặc đã có kế hoạch phát triển trong tương lai. Một nghịch lý là quỹ đất dự trữ cho vài thập niên tới tại siêu đô thị như Tp.HCM đã không còn nhiều.
Cơn sốt đất năm 2017 lan rộng kéo theo làn sóng thu gom đất xoay trục khắp thành phố, từ khu Nam, khu Đông sang phía Tây và tại cả những xã vùng ven heo hút ở Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh. Quỹ đất sạch vì thế ngày càng khan hiếm và trở thành thách thức lớn cho các nhà phát triển địa ốc. Hiện tượng tăng giá, sốt đất rất có thể sẽ tiếp diễn khi cầu nhiều, cung ít.
Một lượng lớn giới đầu tư với nhiều cấp độ đã tham gia vào thị trường bất động sản năm 2017, đầu năm 2018. Nhà đầu tư cấp 1 (thuộc nhóm tổ chức) luôn tồn tại trong thị trường là các chủ đầu tư. Nhà đầu tư cấp 2 (thuộc nhóm vừa và nhỏ) có quan hệ mật thiết với các chủ đầu tư và là những tay săn chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cấp 3 là người mua đi bán lại có kiến thức và thường xuyên mua bán nhỏ lẻ trên thị trường. Nhà đầu tư cấp 4 có vốn nhàn rỗi nhưng không chuyên và muốn tích lũy tài sản bằng nhà đất.
Từ năm 2017 đến nay, thị trường ngày càng có nhiều nhà đầu tư thứ cấp khiến mãi lực lên cao. Mặt bằng giá mới cao hơn được thiết lập khi nhu cầu nhiều trong khi nguồn cung đất nền chỉ bán ra nhỏ giọt.
Với nhóm nhà đầu tư nước ngoài, thời gian qua, thị trường có 2 dòng chảy song song. Thứ nhất là dòng vốn đăng ký và giải ngân của các nhà đầu tư tổ chức đến từ nước ngoài, rõ nét nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, cả những quỹ đầu tư đến từ Đại lục và các vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, thị trường Tp.HCM ngày càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân nước ngoài gốc Á dịch chuyển sang. Từ đó, một dòng vốn ngoại với quy mô nhỏ hơn nhưng tần suất dày đặc đã được hình thành. Khối ngoại thường tích cực bơm vốn vào khi thị trường mới nổi có sức hút quá lớn. Động thái được coi là chiến dịch săn lùng cơ hội mới này thường đẩy giá đất ở thị trường bản địa đi lên.
Thị trường địa ốc còn có thêm dòng vốn mới từ nhóm nhà đầu tư thắng chứng khoán. Từ thực tế thị trường đầu tư tài chính, để hiện thực hóa các khoản lời (chốt lời), nhiều người đã "hái" ra tiền từ chứng khoán thường tậu đất, mua nhà, căn hộ.
Với khả năng chống trượt giá cao, bất động sản liền thổ thường là điểm rơi của các dòng vốn. Vì vậy, khi nguồn cầu lớn hơn nguồn cung, khả năng tăng giá đất là rất khó tránh khỏi.
Theo đánh giá của ông Quang, thị trường bất động sản Tp.HCM có thể sẽ có một bước ngoặt lớn và có nhiều cơ hội, thách thức lớn hơn năm 2017 trước viễn cảnh cơn sốt đất có thể tiếp tục diễn ra vào năm 2018. Việc đề phòng xảy ra bong bóng bất động sản chưa bao giờ là thừa nhưng vị chuyên gia này cũng cho hay, với sự ổn định về kinh tế, chính trị trên cả nước, các cơ quan chức năng có đủ công cụ để điều tiết, hạ nhiệt thị trường khi cần thiết.
Ông Quang nói: "Chừng nào giới đầu tư vẫn giữ được sự cân bằng giữa lòng tham và nỗi sợ hãi, thì chừng đó, không ai bị bỏng nặng ngay cả khi giá đất tại Tp.HCM đột ngột sôi sục thêm lần nữa".
Theo Batdongsan.com.vn
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020