Việc chỉ có một công ty thông tin tín dụng (TTTD) và Trung tâm tín dụng CIC hoạt động trong khi đó nhu cầu thông tin lớn từ 42 ngân hàng, 27 công ty tài chính,... cho thấy nhiều quy định về hoạt động này không còn phù hợp, dẫn đến hạn chế việc phát triển của thị trường TTTD tại Việt Nam.
Sau 6 năm áp dụng Nghị định 10/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng (TTTD), nhiều nội dung trong văn bản đã không còn phù hợp với thực tế. Do đó, trên cơ sở báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị định 10, ý kiến của các đơn vị có liên quan và qua nghiên cứu thông lệ quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức cung cấp TTTD.
Thị trường TTTD Việt Nam thời gian qua được đánh giá là chưa phát triển và tính cạnh tranh chưa cao. Hiện nay trên thị trường TTTD Việt Nam mới chỉ có một Công ty TTTD được thành lập (Công ty cổ phần TTTD Việt Nam – PCB) và CIC hoạt động. Trong khi đó nhu cầu TTTD lại lớn với 42 ngân hàng, 27 công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và hơn 1100 QTDND và các tổ chức, cá nhân khác.
Ngoài ra, các nguồn thông tin khác chưa nhiều hoặc khó tiếp cận, các yêu cầu về công khai, minh bạch thông tin chưa thực sự được coi trọng, khách hàng che giấu lịch sử TTTD của bản thân, làm ảnh hưởng đến chất lượng của các khoản cấp tín dụng. Thêm vào đó, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của nền kinh tế cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về TTTD hợp pháp, phong phú, đáng tin cậy.
Xem thêm: CIC là gì và lời khuyên nào để tránh vào nhóm nợ xấu?
Cụ thể, phạm vi quy định tại Nghị định 10 không bao gồm hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), trong khi đó CIC có hoạt động kinh doanh TTTD thương mại (hoạt động có thu phí). Điều này có thể dẫn đến sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh TTTD, làm giảm tính cạnh tranh, tăng chi phí sử dụng dịch vụ TTTD của các pháp nhân, cá nhân.
Do đó, NHNN đề xuất bổ sung “Hoạt động thông tin tín dụng có thu phí của CIC" vào phạm vi điều chỉnh và CIC là đối tượng điều chỉnh của Nghị định nhằm tạo ra sự bình đẳng, minh bạch và nâng cao tính cạnh tranh.
Những quy định chi tiết về hoạt động TTTD trong Nghị định 10 gồm việc: Thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp TTTD lại mâu thuẫn với việc bảo vệ quyền bí mật cá nhân, quyền con người theo Luật Dân sự…
NHNN đề xuất bổ sung khái niệm về thông tin định danh khách hàng; quy định thời gian lưu giữ TTTD của các đối tượng được cung cấp TTTD; về đối tượng được cung cấp TTTD, điều kiện để được cung cấp TTTD và việc hạn chế trong cung cấp TTTD. Thay đổi này nhằm phù hợp với Điều 38 Bộ Luật dân sự và quy định về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng.
NHNN cũng đề xuất nới lỏng quy định “Có tối thiểu 20 ngân hàng thương mại (NHTM) cam kết cung cấp TTTD và các ngân hàng này không có cam kết tương tự với công ty TTTD khác”. Quy định này nhằm bảo đảm các công ty TTTD có đủ nguồn thông tin để thực hiện đầy đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ của mình và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, tránh việc chia sẻ thông tin cho quá nhiều đối tượng, ảnh hưởng đến vấn đề bảo mật.
Tuy nhiên, nhiều NHTM cho rằng quy định này dẫn đến việc hạn chế các công ty TTTD mới thành lập, giảm tính cạnh tranh, đồng thời, các ngân hàng phải yêu cầu thông tin của khách hàng từ nhiều công ty TTTD khác nhau, điều này làm tăng thời gian, chi phí cho ngân hàng trong việc tìm kiếm TTTD của khách hàng.
Do vậy, căn cứ trên tình hình thực tế hoạt động TTTD tại Việt Nam chưa phát triển (hiện chỉ có 1 công ty TTTD thành lập và hoạt động) và số lượng các NHTM hiện nay giảm còn 43 NHTM nên quy định này cần điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn để tạo điều kiện thành lập thêm tại Việt Nam ít nhất 2 công ty TTTD nhưng vẫn tạo nguồn dữ liệu tối thiểu, bảo đảm chất lượng TTTD cho công ty TTTD hoạt động.
Theo quy định hiện tại vốn điều lệ tối thiểu của công ty TTTD là 30 tỷ đồng. Nhưng theo Công ty TTTD Việt Nam thì với số vốn điều lệ 120 tỷ đồng, mới bảo đảm duy trì hoạt động, tìm kiếm khách hàng, vượt qua thời kỳ lỗ kế hoạch. Do vậy, Công ty đề xuất nâng mức vốn điều lệ tối thiểu lệ 60 tỷ đồng.
Theo thông lệ quốc tế quy định về mức vốn pháp định của Phillipines là 500 triệu peso (khoảng 230 tỷ đồng), Ấn Độ là 3 triệu rupee (khoảng 100 tỷ đồng) và Pakistan là 250.000.000 PKR (khoảng 53 tỷ đồng).
Ngoài ra, do hoạt động TTTD là một hoạt động đặc thù, liên quan đến quyền hợp pháp của nhiều cá nhân và pháp nhân, những điều kiện được bổ sung theo hướng nhằm giảm thiểu các rủi ro đạo đức liên quan đến người quản lý, điều hành công ty TTTD.
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020