Nhà băng tăng phí dịch vụ ngân hàng điện tử

Không ồn ào như tăng lãi suất, gần đây phí dịch vụ ngân hàng điện tử tại một số nhà băng đã âm thầm tăng.

Ngày 8/5, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chính thức áp dụng biểu phí mới đối với dịch vụ ngân hàng điện tử. Theo đó, phí chuyển dưới 10 triệu đồng tăng từ 6.600 đồng lên 7.000 đồng. Mức phí cho số tiền chuyển đến 500 triệu đồng cũng tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng...

 

Trong khi đó, TP Bank cũng vừa tiến hành tăng phí dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn SMS Banking lên 11.000 đồng mỗi tháng (trước đó là 8.800 đồng). Tại Eximbank, phí này còn cao hơn TP Bank, khi mỗi thuê bao phải đóng 50.000 đồng mỗi quý, tức trên 16.000 đồng một tháng.

 

Trước đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cũng chính thức tăng phí Internet Banking. Theo đó, từ đầu tháng 5 này, Sacombank tăng phí dịch vụ Internet Banking của khách hàng cá nhân từ 33.000 đồng lên 44.000 đồng một quý.

Một số ngân hàng điều chỉnh tăng phí dịch vụ ngân hàng điện tử. Ảnh: PV.

Lý giải cho việc tăng phí này, lãnh đạo TP Bank cho biết, ngân hàng đang phải trả nhà mạng (telco) 800 đồng trên mỗi tin nhắn SMS nên nhà băng đang lỗ nặng. Mới đây, TP Bank đã đưa vào ứng dụng eToken có tính bảo mật hơn, an toàn hơn lại hoàn toàn miễn phí để thay thế. "Do vậy, nếu khách hàng nào vẫn dùng SMS OTP thì phải trả phí để bù chi phí", vị lãnh đạo TP Bank chia sẻ.

 

Mới đây, một số ngân hàng thương mại cũng đã kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các ngân hàng đầu tư hệ thống ATM. Bởi mức chi phí đầu tư cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng (tùy theo mức đầu tư của mỗi ngân hàng) thì mức thu phí rút tiền như hiện nay ngân hàng đang bị lỗ.

 

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng của dư luận, khi nhiều chủ thẻ cho rằng hiện sử dụng thẻ ATM đã phải gánh quá nhiều loại phí (khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản) trong khi chất lượng chưa tương xứng. Chia sẻ vấn đề trên, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, khách hàng không phải trả cho tất cả các loại phí đó mà chỉ phải trả đối với loại dịch vụ mà mình sử dụng.

 

Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đối với phí thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM), cơ quan quản lý quy định thông thường mỗi thẻ ATM chỉ chịu chủ yếu một vài loại phí như rút tiền tại ATM, chuyển khoản nội mạng hoặc ngoại mạng, in sao kê,...

 

Một chuyên gia về thẻ ngân hàng cho rằng, ông đồng ý việc các nhà băng phải thu phí dịch vụ liên quan thẻ ATM vì ngân hàng phải bỏ tiền ra để đầu tư máy móc thiết bị. Ngoài ra, ngân hàng cũng phải có chi phí lắp đặt, vận hành, bảo trì, an ninh… Tất cả chi phí đó nếu không được bù đắp thì rất khó. Do vậy, khi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ATM thì việc phải trả phí là bình thường.

 

Tuy nhiên, theo ông, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chỉ mới có phần khởi sắc. Do đó, các ngân hàng cần cân nhắc kỹ mức phí hợp lý để hài hòa giữa lợi ích người sử dụng cũng như phía ngân hàng. Từ đó, các nhà băng mới có thể đẩy mạnh các dịch vụ này để đi theo hướng ngân hàng hiện đại, tăng doanh thu dịch vụ và tiết giảm chi phí.

 

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết, cơ quan này đang rà soát, xây dựng lộ trình giảm phí tương ứng với giảm chi phí hoạt động và cung cấp dịch vụ trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Theo ông, bên cạnh việc điều chỉnh tăng một vài dịch vụ liên quan ngân hàng điện tử thì thời gian qua, các ngân hàng cũng có động thái giảm phí. Chẳng hạn như Eximbank giảm phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng từ tài khoản sang tài khoản qua hệ thống napas từ mức 22.000 đồng xuống 11.000 đồng. BIDV thì miễn phí thường niên cho khách sử dụng ngân hàng điện tử, hoặc các ngân hàng khác như TP Bank, Sacombank... không thu phí với ứng dụng eToken...

 

Theo Trí thức trẻ
Từ khóa nổi bật
ngân hàng BIDV TPbank

Tư vấn khoản vay