Nhà ở xã hội cũng phải bán cắt lỗ

Không ít người mua nhà ở xã hội nằm ở những vị trí xa, thiếu tiện ích đang phải rao bán cắt lỗ khoảng 50 triệu đồng mỗi căn.

Gia đình anh Minh mua một căn hộ nhà ở xã hội gần 60 m2 tại Hà Đông (Hà Nội) cách đây gần hai năm với giá 850 triệu đồng. Dự án vừa được bàn giao với nội thất cơ bản hoàn thiện từ chủ đầu tư. Do anh không có nhu cầu ở nên rao bán bằng giá hợp đồng, nhưng đã 2 tháng nay vẫn không có người mua. Anh vừa phải chấp nhận rao tiếp với giá 800 triệu, lỗ 50 triệu đồng so với số tiền đã nộp cho chủ đầu tư.

 

"Dự án xa, đang xảy ra tình trạng xuống cấp, hạ tầng trong dự án và giao thông kết nối chưa tốt, nên dù mức giá tốt hơn so với các dự án thương mại, việc chuyển nhượng gặp nhiều khó khăn, mà muốn bán nhanh thì đành chấp nhận cắt lỗ”, anh Minh cho hay. Tuy nhiên, với việc rao bán lâu không thành công, anh Minh dự kiến cho sinh viên một số trường cao đẳng, đại học quanh khu vực này thuê.

 

Nhà ở xã hội cũng phải bán cắt lỗ

Nhà ở xã hội cũng phải bán cắt lỗ

 

Tại một dự án khác ở ven Đại lộ Thăng Long cũng xảy ra tình trạng chủ nhà muốn bán căn hộ phải chấp nhận bán thấp hơn giá hợp đồng đã mua từ chủ đầu tư. Tuy nhiên, anh Tuấn, người đang muốn bán căn hộ đã nhận bàn giao tại đây cho biết rao bán từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa giao dịch được, dù giá mong muốn anh đưa ra thấp hơn lúc mua 50 triệu đồng. Bởi theo anh, dự án có vị trí chưa cạnh tranh, tiện ích còn thiếu, trong khi đó nguồn cung chủ đầu tư tung ra thị trường cũng không nhỏ, lại có chính sách bán hàng cạnh tranh so với việc mua lại từ người mua trước. Hiện anh Tuấn dự định cho thuê căn hộ, song ở khu vực này nguồn cầu cũng không lớn.

 

Không chỉ nhà ở xã hội, những căn hộ thương mại nằm trong dự án nhà thu nhập thấp cũng có tình trạng thanh khoản không mấy khả quan. Tại các dự án nhà ở xã hội ở Tam Trinh, Đông Anh... đang xảy ra tình trạng chính chủ các căn hộ thương mại liên tục bán cắt lỗ. Trong đó, tại một dự án ở Đông Anh, có tình trạng cắt lỗ lên đến 180 - 200 triệu đồng mỗi căn so với giá hợp đồng; đồng thời, bên bán chịu phí sang tên.

 

“Tuy không bị hạn chế điều kiện khi chuyển nhượng, song những căn hộ thương mại nằm trong dự án nhà ở xã hội bị đánh giá có chất lượng kém hơn các dự án thương mại thông thường. Các dự án nằm ở vị trí xa, thiếu tính cạnh tranh về hạ tầng thì thanh khoản sẽ càng kém”, anh Chính, môi giới chuyên bán các dự án giá rẻ cho hay.

 

Tuy nhiên, trên thị trường Hà Nội, phân khúc nhà ở xã hội có sự phân hóa rất rõ rệt giữa các dự án nằm ở vị trí gần và xa trung tâm. Các dự án ở xa, dù công bố nhiều lần việc tiếp nhận hồ sơ vẫn không thu hút đủ lượng người mua. Trong khi đó, những dự án ở xung quanh khu vực vành đai 3 thì lại luôn thu hút khách, thậm chí khách hàng còn phải bốc thăm mới có được quyền mua. Do đó những dự án này, dù mới bắt đầu được công bố ra thị trường nhưng đã được rao bán với mức giá chênh hàng chục triệu đồng. Một số dự án tại Phạm Văn Đồng (Nam Từ Liêm), Đồng Mô, Minh Khai, Linh Đàm (Hoàng Mai)...xây dựng xong, vừa bàn giao nhà thì mức chênh mà bên bán thu về có thể lên tới 150 - 300 triệu đồng mỗi căn.

 

>>> Xem thêm: LÃI SUẤT VAY MUA NHÀ THÁNG 9/2018 - Ngân hàng nào lãi suất thấp nhất?

Theo CafeF

Tư vấn khoản vay