Phí 'đè' giấc mơ xế hộp của người dân

Với 15 loại thuế, phí hiện hành, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có giá ô tô đắt nhất thế giới. Thế nhưng, có thể những chiếc ô tô trên đường sẽ còn gánh thêm các loại thuế, phí mới mà gần nhất là phí khí thải.

 

Lại thêm phí mới

 

Cuối tháng 12/2018, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị 6 bộ ngành liên quan, gồm Bộ Xây dưng, Công Thương, Giao thông - Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trên khẩn trương đề xuất phương án thu loại phí này, gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí.

 

Căn cứ vào đề xuất của các bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền. Lý giải của Bộ Tài chính khi muốn thu loại phí này là vì tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đã tới mức báo động.

 

Nhằm hạn chế tác động của khí thải phát ra từ phương tiện cơ giới đối với môi trường, 10 năm trước, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 3.000 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu nhờn 900 đồng+/lít.

 

Phí 'đè' giấc mơ xế hộp IKEA sẽ đầu tư kho chứa hàng 450 triệu EUR tại Hà Nội - ảnh minh họa

 

Và bắt đầu từ ngày 1/1/2019, biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng đã lên kịch khung với mức 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít. Không chỉ thế, tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội đã có những đề xuất thu phí liên quan đến môi trường.

 

Đề xuất về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải khiến doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô và kinh doanh vận tải bức xúc. Giới kinh doanh cho rằng điều này là bất hợp lý vì đã đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu với lý do gây ô nhiễm rồi thì tại sao phải đặt ra loại phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

 

Bởi khi sử dụng xăng dầu, người dân đã đóng thuế bảo vệ môi trường để xử lý khí thải đó. Việc áp thêm một loại phí với mục tiêu tương tự sẽ tác động đến tâm lý người mua xe và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

 

>>> Xem thêm: Lãi suất vay mua xe tháng 1/2019 - Ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng vay mua xe

 

Phí chồng phí

 

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm đến 30-35% tổng chi phí vận tải. Vài năm trở lại đây, giá xăng, dầu tăng cao trong khi cước vận tải có xu hướng giảm khiến nhiều doanh nghiệp lỗ nặng.

 

Ở các nước phát triển, phí khí thải đánh trực tiếp vào xăng dầu như phí bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, tại Singapore, phí khí thải là một phụ lục của phí môi trường chứ không đánh riêng như Việt Nam đang đề xuất.

 

Trên thực tế, người sở hữu xe hơi tại Việt Nam đang phải gánh thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu. Với việc đề xuất loại phí mới này, người có phương tiện tham gia giao thông phải đóng thêm phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, tức bị thu phí hai lần.

 

Cũng có ý kiến cho rằng việc chịu thêm mức phí khí thải chỉ nên áp dụng đối với xe quá cũ, phát sinh ô nhiễm môi trường vượt mức cho phép.

 

PGS - TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, hiện xăng dầu đang chịu rất nhiều loại thuế, phí như các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ việc cùng lúc vừa áp thuế bảo vệ môi trường vừa áp phí khí thải đối với mỗi phương tiện giao thông.

 

Theo tính toán, một chiếc ô tô được nhập khẩu về Việt Nam phải gánh đến 15 loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế thu nhâp doanh nghiệp, phí trước bạ, phí cấp biển số, phí đăng kiểm, phí cấp chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật, phí sử dụng đường bộ (chưa kể BOT), phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí bảo hiểm vật chất, thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu, phí thử nghiệm khí thải, phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng...

 

Vì phải "cõng" quá nhiều loại thuế, phí khiến số tiền bỏ ra mua xe gấp nhiều lần giá trị thực và Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có giá xe hơi đắt nhất thế giới.

 

Giá đã quá cao nay lại thêm phí khí thải sẽ khiến giấc mơ sở hữu "xế hộp" của nhiều người càng ngày càng lùi xa.

 

>>> Xem thêm: Vay mua xe ô tô: Có nên phó mặc cho nhân viên bán xe?

Theo Ndh.vn

Tư vấn khoản vay