Ngân hàng Standard Chartered vừa đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 sẽ đạt 6,6%, sau khi bị chậm lại trong năm 2016 do ảnh hưởng của hạn hán. Mức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất và xây dựng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong năm 2017.
Ông Marios Maratheftis, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Năm 2017 hứa hẹn là một năm đầy phấn khích nhưng cũng nhiều bất ổn. Tiềm năng hồi phục của nền kinh tế Mỹ đang làm gia tăng tinh thần lạc quan trên thị trường, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều đó đã được thể hiện một cách thái quá, khi mà các điều kiện tài chính được thắt chặt hơn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng trước khi việc kích thích tài khóa phát huy tác dụng. Các điều kiện chặt chẽ hơn cũng sẽ gia tăng những nguy cơ, dẫn đến việc định giá lại các rủi ro ở nhiều thị trường đang nổi.”
Tuy nhiên, Standard Chartered tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam và nhận định rằng kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo sau khi bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng chia sẻ, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều được cải thiện trong thời gian gần đây, tạo ra nhiều tiến triển tích cực trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Standard Chartered Việt Nam tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Chuyên gia Standard Chartered dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ chậm lại một chút trong năm 2017 nhưng sẽ vẫn ở mức cao, khoảng 10 tỷ USD. Việc tham gia vào các Hiệp định thương mại khu vực đã mang đến cho Việt Nam nhiều lợi ích, trong đó có việc thu hút một lượng lớn đầu tư nước ngoài.
Theo nhận định của Standard Chartered, những tác động tiêu cực của việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua (nếu xảy ra) lên Việt Nam sẽ ở mức thấp nhất, khi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam để đón đầu TPP đã rất mạnh mẽ trong thời gian qua.
Theo Cafebiz
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020