Kể từ giữa tháng 3-2017, theo Thông tư mới có hiệu lực của NHNN, lãi suất cho vay sẽ được thả nổi hoàn toàn theo quy luật cung cầu và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ vài lĩnh vực đặc biệt. Bên cạnh đó, NHNN cấm việc cho vay đảo nợ để làm lành mạnh hơn hệ thống tài chính, nhưng lại mở cho vay tuần hoàn.
Tách bạch vay NH và vay dân sự
Việc đảo nợ hiện nay diễn ra rất phổ biến, dưới nhiều hình thức vô cùng tinh vi nên không dễ phát hiện và xử phạt. Chẳng hạn doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu cho đơn vị khác hoặc chính TCTD cho vay vốn để đảo nợ. Hoặc doanh nghiệp cũng có thể chuyển sang doanh nghiệp thứ 2 và doanh nghiệp này vay vốn từ NH qua hình thức phát hành trái phiếu hoặc vay đầu tư dự án… Do đó, quy định về đảo nợ đã có nhưng khó phát hiện và xử lý trên thực tế cũng không hề dễ.
Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ban hành ngày 30-12-2016, từ giữa tháng 3-2017, lãi suất cho vay sẽ được áp dụng theo cơ chế thỏa thuận trừ một số lĩnh vực đặc biệt. Như vậy, lãi suất cho vay sẽ chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Với thông tư này, NHNN đã tháo gỡ vướng mắc về trần lãi suất cho vay theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, Bộ luật Dân sự quy định mức lãi suất cho vay tối đa 20%/năm, nhưng cũng thêm vào điều kiện “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Điều này đồng nghĩa với việc nếu các luật chuyên ngành như Luật TCTD hoặc Thông tư của NHNN có quy định khác về lãi suất thì không chịu mức trần 20% của Bộ luật Dân sự.
Các chuyên gia cho rằng việc bỏ trần lãi suất là một quyết định khá phù hợp trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện tại. Quy định này cũng đã tách bạch việc quản lý TCTD và quản lý giao dịch dân sự, nghĩa là tách bạch giữa vay NH và vay dân sự theo chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, xét về quy luật kinh tế, việc áp trần lãi suất hại nhiều hơn lợi.
Dù vậy theo Thông tư 39, lãi suất cho vay một số lĩnh vực nhất định vẫn bị áp trần lãi suất theo quyết định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ. Cụ thể, đó là 5 lĩnh vực ưu tiên được Chính phủ khuyến khích hoặc hỗ trợ phát triển như lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, liên quan đến xuất nhập khẩu, hỗ trợ vốn doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mục tiêu của chính sách này nhằm tạo ra hành lang pháp lý hướng dòng vốn giá rẻ vào những lĩnh vực Chính phủ xác định là quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định này là không cần thiết và không có nhiều tác dụng.
Lãi suất ưu đãi chỉ nên được áp dụng cho từng chương trình và kế hoạch cụ thể trong từng thời kỳ. Nhận định này không phải không có lý, bởi cho đến nay mức lãi suất cụ thể cho 5 lĩnh vực này vẫn chưa được ban hành. Đặc biệt, xác định mức lãi suất nào là hợp lý và đánh giá hiệu quả của mức lãi suất này đến nền kinh tế cũng không dễ dàng.
Không còn tình trạng che giấu nợ xấu
Một trong những nội dung quan trọng khác của Thông tư 39 là bỏ quy định về đảo nợ (lấy nợ mới trả nợ cũ) tại Quy chế cho vay 1627. Tức các NH không được cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại chính NH đó hoặc tại NH khác, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; không được cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại TCTD khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện phục vụ hoạt động kinh doanh, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ và là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Trước đó, Quy chế cho vay 1627 ban hành cuối năm 2001 không cấm cho vay đảo nợ và chỉ nói thực hiện theo quy định riêng của NHNN. Vì vậy các NH vẫn cho phép doanh nghiệp được vay đảo nợ để làm sạch sổ sách, giảm tỷ lệ nợ xấu diễn ra rất phổ biến.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc cho vay đảo nợ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ che giấu nợ xấu. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc báo cáo về tình trạng nợ xấu của các NH không được phản ánh một cách chính xác. Ngoài ra, các TCTD có thể nới lỏng hơn trong việc cho vay vì nếu cần thiết có thể đảo nợ.
Mở cho vay tuần hoàn
Cấm cho vay đảo nợ nhưng Thông tư 39 lại phục hồi hoạt động cho vay tuần hoàn. Trước đó, năm 2014 việc cho vay tuần hoàn (rollover loan) đã bị NHNN ban hành văn bản đề nghị ngừng. Mới đây, ngày 16-9-2016, NHNN ban hành Công văn 6960/NHNN-TTGSNH yêu cầu các TCTD chấn chỉnh lại hoạt động cho vay tuần hoàn do lo ngại việc này khiến doanh nghiệp có thể vay mới trả cũ để đảo nợ.
Nhưng đến giữa tháng 3-2017 khi Thông tư mới có hiệu lực, TCTD và khách hàng được thỏa thuận cho vay ngắn hạn nhưng đảm bảo các điều kiện là đến thời hạn trả nợ, khách hàng có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay.
Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh. Tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các TCTD. Trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu khách hàng có nợ xấu tại các TCTD không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.
Ảnh minh họa: LONG THANH
Thông thường vay tuần hoàn là những khoản vay bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp với thời hạn dưới 1 năm. Theo các chuyên gia, cho vay tuần hoàn cũng là một hình thức cho vay phổ biến theo thông lệ quốc tế. Nhìn theo góc độ tích cực, cho vay tuần hoàn giúp doanh nghiệp luôn ở trong thế chủ động điều tiết dòng tiền của mình sao cho hợp lý nhất và điều chỉnh khoản vay tùy theo sự biến động của lãi suất. Đối với NH, việc cho vay tuần hoàn giúp phát triển thêm nhiều dịch vụ gia tăng như cho vay thấu chi, cho vay thẻ tín dụng, thư tín dụng…
Tuy nhiên, cũng có quan ngại cho rằng doanh nghiệp có thể vận dụng việc vay tuần hoàn để đảo nợ bằng cách khách hàng có thể vay từ bên ngoài để hoàn trả cho NH và được NH giải ngân ngay sau đó. Điều này tương tự như việc đảo nợ, làm méo mó tình trạng nợ xấu thực sự trong hệ thống NH.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng cho vay tuần hoàn là cần thiết và có thể hạn chế được những trường hợp tiêu cực bằng các giải pháp kỹ thuật. Quan trọng hơn, nghiệp vụ cho vay tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp, người dân, NH và cả nền kinh tế.
Theo Xuân Anh
Sài Gòn Đầu tư tài chính
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020