Hạ tầng và bất động sản (BĐS) là hai yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau. Giá BĐS có thể tăng nhờ hạ tầng, ngược lại, cũng có thể đóng băng vì hạ tầng.
Hạ tầng và bất động sản có mối quan hệ mật thiết
Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tại Tp.HCM và Hà Nội chỉ tương đương với các thành phố đang phát triển và thấp hơn nhiều các đô thị hiện đại trong khu vực.
Khi thu nhập bình quân đầu người vào ngưỡng 3.000 - 10.000 USD/người/năm, áp lực lên hạ tầng giao thông đang tăng lên do gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sở hữu ôtô cá nhân.
Nguy cơ tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng lên cùng với sự gia tăng của các phương tiện giao thông và khả năng hạn chế mở rộng đường sá tại khu trung tâm. Đây là yếu tố tác động mạnh đến nhu cầu của người mua nhà, đặc biệt với tâm lý an cư và đi lại của người mua nhà hiện nay.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư BĐS, thời gian qua, những dự án “hot” nhất, tăng giá tốt nhất thuộc về các khu vực có hạ tầng đồng bộ, đường sá thuận tiện, gần trường học, siêu thị… hoặc nằm trong những khu vực đang được nâng cấp đồng bộ về hạ tầng.
Theo thống kê từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, tại Hà Nội, khoảng 2 năm trở lại đây, khu vực phía Tây, dọc đường Tố Hữu và Đại lộ Thăng Long đứng đầu với 30 - 40% tổng lượng cung BĐS trên thị trường. Những dự án như Ecolife Capitol, Anland Complex, Gemek Towers, Bắc Hà, Tây Hà, Gemek Premium, Vinhomes Thăng Long, FLC Star Towers… khi ra mắt đều được giới đầu tư quan tâm.
Trong khi đó, từng tạo ra những cơn sốt cách đây vài năm, khu vực quận Hoàng Mai giờ đã không còn thu hút nhiều người mua nhà. Các sàn giao dịch đánh giá, ngoài Times City và một số dự án đã triển khai của các nhà phát triển BĐS có tên tuổi khác như MIK Group, Hòa Bình… thì hầu như các dự án ăn theo ít thu hút được khách hàng.
Khảo sát của Đầu tư BĐS cho thấy, dọc con đường Lĩnh Nam đã và đang xuất hiện khoảng 6 - 7 dự án chung cư cao tầng như New Horizon, khu nhà ở Vĩnh Hoàng, tòa nhà Lilama, Đồng Phát Park View Tower… Giá căn hộ các dự án này tăng mạnh khi vừa mở bán nhờ những quảng cáo về hạ tầng giao thông thuận tiện, gần trường đại học, bệnh viện lớn. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi hạ tầng không như quảng cáo của chủ đầu tư, giá đã sụt giảm trở lại.
Tp.HCM cũng diễn ra tình trạng tương tự trong năm 2016, năm của các dự án vùng ven, đặc biệt là các khu có đề xuất nâng cấp lên quận như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
Báo cáo cuối năm ngoái của CBRE cho thấy, nhờ sự cải thiện mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, khu phía Đông và Đông Nam Tp.HCM đang trở thành tâm điểm. Trong 3 huyện sẽ quy hoạch lên quận, Nhà Bè có sức bật bật mạnh nhất. Trên địa bàn huyện Nhà Bè, biên độ tăng giá đất cao nhất có thể đạt 30%.
Với sự phát triển của hạ tầng, nhiều dự án tại khu Nam Tp.HCM của các doanh nghiệp địa ốc có tên tuổi đều khiến khách hàng đặc biệt quan tâm.
Chẳng hạn, theo thông tin từ chủ đầu tư Dự án Dragon Hill của Công ty CP Địa ốc Phú Long, hiện, mức giá căn hộ Dragon Hill đang được được đẩy lên khá cao, nhưng thanh khoản vẫn rất tốt, gần 80% số căn hộ đã được khách hàng đặt mua. Chưa kể, Dragon Hill hưởng trọn vẹn hạ tầng và tiện ích của Khu đô thị Dragon City. Tương tự là các dự án xung quanh như: Sài Gòn South Residence, The Star Village, Nine South Estate, Park Vista, Dragon Parc, Phu Xuan Residence, Khu dân cư Phước Kiển - Nhà Bè…
Các chuyên gia đánh giá, thời gian tới, hạ tầng sẽ còn được quan tâm hơn nữa, nhất là khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn, phải đặt giao thông lên hàng đầu trước khi xây nhà cao tầng.
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020