Tìm cơ chế mới cho nhà ở xã hội

Có nên tiếp tục phát triển nhà ở xã hội theo hướng tìm kiếm những gói vốn ưu đãi từ Nhà nước, hay phải tìm kiếm cơ chế khác, đang là vấn đề được bàn luận nhiều trên thị trường bất động sản.

 

Ảnh Internet

 

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định, phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Cùng với việc phát triển nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường, thì cần phải tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

 

Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

 

Mục tiêu là vậy, nhưng kết quả thực sự chưa được như kỳ vọng!

 

Quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội thời gian vừa qua gặp không ít vấp váp, cùng một đề bài nhưng ra những đáp số khác nhau.

 

Thành công của gói 30.000 tỷ đồng đem lại cơ hội cho hàng vạn người có điều kiện tiếp cận và sở hữu nhà ở tại TP.HCM cũng như Hà Nội và một số ít các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá ít nếu so sánh với số lượng lên đến hàng triệu hộ gia đình đang không đủ khả năng có một căn hộ với các điều kiện sinh sống tối thiểu.

 

Cho tới thời điểm hiện tại, khi chưa có gói vốn ưu đãi thay thế gói 30.000 tỷ đồng, thì doanh nghiệp xây nhà ở xã hội vẫn gặp khó.

 

Trong suốt hơn 1 năm qua, gói tín dụng ưu đãi nối tiếp gói 30.000 tỷ đồng, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội đã liên tục được đề cập, nhưng vẫn chưa thể tiến hành giải ngân vì nhiều lý do. Trong đó, chủ yếu là bố trí nguồn vốn, do nguồn vốn cần ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất.

 

Cũng cần nói thêm, việc gói vốn ưu đãi tập trung nhiều vào nguồn cung, nhưng lợi nhuận lại bị khống chế khiến việc phát triển nhà ở xã hội không thực sự thu hút doanh nghiệp. Mặt khác, cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội chủ yếu để bán, mà không hướng tới đối tượng cho thuê, thuê mua, trong khi các đối tượng có nhu cầu thuê và thuê mua đang rất lớn.

 

Gói 30.000 tỷ đồng mang lại cơ hội cho rất nhiều người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở, nhưng quá trình rà soát cho thấy, có nhiều đối tượng thu nhập thấp thực sự lại bị hạn chế bởi quy định người mua nhà phải đóng 30% giá trị của nhà/căn hộ mà người thu nhập muốn sở hữu, hoặc phải bỏ 100% tiền ứng trước sau đó mới tính đến việc hỗ trợ tài chính…

 

Rõ ràng, đây là những hạn chế rất lớn, cần có những đánh giá và nhìn nhận lại một cách xác đáng để có thái độ ứng xử mới phù hợp hơn đối với loại hình nhà ở mang tính chất an sinh này.

 

 

Tư vấn khoản vay