Con số lãi lớn từ cho vay của nhiều ngân hàng trong quý đầu năm nay có một phần đóng góp quan trọng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Trong số các ngân hàng báo lãi lớn trong quý I/2017, VPBank gây bất ngờ vì lợi nhuận thu về đã bám đuổi quyết liệt các ông lớn quốc doanh. Thế nhưng, “soi” báo cáo tài chính của ngân hàng này, có thể thấy, phần lớn lợi nhuận không phải đến từ ngân hàng mẹ.
Báo cáo tài chính của VPBank cho thấy, tính đến ngày 31/3/2017, ngân hàng này cho vay 117.000 tỷ đồng, Công ty Tài chính tiêu dùng trực thuộc FE Credit chỉ cho vay 34.800 tỷ đồng. Tuy vậy, chính hoạt động cho vay của FE Credit mới mang về khoản lợi nhuận lớn cho Ngân hàng.
|
Tín dụng tiêu dùng của FE Credit đem lại nguồn thu lớn cho VPBank.
|
Cụ thể, tính đến hết quý I/2017, thu nhập riêng từ tiền lãi cho vay khách hàng của ngân hàng mẹ VPBank chỉ đạt 3.264 tỷ đồng, song nếu tính cả Công ty Tài chính FE Credit thì khoản thu nhập từ tiền lãi này lên tới 6.529 tỷ đồng. Lợi nhuận quý I/2017 của Ngân hàng là 1.924 tỷ đồng (tăng 85%), nhưng ngân hàng mẹ chỉ đóng góp 814 tỷ đồng, trong khi hơn 1.000 tỷ đồng còn lại đến từ FE Credit.
Hiện tại, FE Credit cũng là công ty có quy mô cho vay lớn nhất thị trường, vượt qua cả đối thủ ngoại là Home Credit – cũng có lợi nhuận gần ngàn tỷ đồng.
Lợi nhuận béo bở thu về từ hoạt động cho vay tiêu dùng khiến làn sóng thành lập công ty tài chính tiêu dùng của các nhà băng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong năm nay, sẽ có thêm Công ty Tài chính tiêu dùng SHB đi vào hoạt động, dự kiến từ quý III/2017. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SHB kỳ vọng, Công ty sẽ mang về khoản lãi 100 tỷ đồng ngay trong năm 2017 và số lãi sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tiếp theo.
Tương tự, Vietcombank cũng đang cân nhắc “dẹp” Công ty Cho thuê tài chính Vietcombank để thành lập Công ty Tài chính tiêu dùng. Bởi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mỗi ngân hàng chỉ được thành lập một công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính. Năm nay, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu tăng trưởng khối bán lẻ lên tới 40%.
Thông tư 43/2016/TT-NHNN vừa ban hành cách đây mấy tháng đã gỡ bỏ hoàn toàn trần lãi suất đối với cho vay tiêu dùng. Trong bối cảnh cho vay doanh nghiệp ngày càng khó khăn, chênh lệch lãi suất thấp thì cho vay tiêu dùng với lãi suất cao đang là miếng bánh hấp dẫn với các ngân hàng.
TS. Hồ Chí Dũng, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing (Viện Quản trị kinh doanh) cho biết, nhu cầu và văn hóa tiêu dùng của người dân đã thay đổi khá nhiều trong 5 năm gần đây, biến cho vay tiêu dùng thành thị trường đầy tiềm năng.
Hiện nay, ngoài các ngân hàng thương mại, có tới 15 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, chưa kể công ty công nghệ tài chính (fintech). Các khách hàng trẻ vay trả góp đang ngày càng phổ biến.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng cho thấy, tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản, tài chính tiêu dùng… đang có dấu hiệu gia tăng. Đáng lưu ý, một lượng lớn tín dụng bất động sản hiện nay được “ẩn” trong tín dụng tiêu dùng.
Dù là lĩnh vực cho vay tiêu dùng béo bở, song giới chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay của các công ty tài chính vẫn đang rất cao. Điều này dễ khiến các ngân hàng rơi vào chiếc bẫy mà mình tự giăng: khách hàng khó trả nợ, khiến nợ xấu của công ty tăng lên.
Hiện tại nợ xấu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng của các ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng vẫn chưa đến mức báo động, song theo cảnh báo của giới chuyên gia, lạm phát có xu hướng gia tăng, cộng với nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, đang ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của nhóm khách hàng này.
Bên cạnh đó, dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định các tổ chức tín dụng khi cho vay tiêu dùng phải ghi rõ mức lãi vay và phương pháp tính lãi khi ký hợp đồng vay tiêu dùng, song tình trạng lập lờ lãi suất của các công ty tài chính vẫn đang khá phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng khiếu kiện trong cho vay tiêu dùng chưa có dấu hiệu giảm.
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020