Mỗi năm, Việt Nam có trung bình 1 triệu dân nông thôn di cư đến các thành phố lớn làm việc. Theo các chuyên gia, tốc độ đô thị hóa sẽ làm ấm thị trường bất động sản (BĐS) thành phố vì nhu cầu nhà ở tăng lên.
Tại hội thảo “Xu hướng liên thông thị trường Tài chính với thị trường BĐS” do Kênh truyền hình FBNC và trường doanh nhân PACE tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế và BĐS cho rằng thị trường nhà đất tại các thành phố lớn tiếp tục ấm lên trong thời gian tới vì tốc độ đô thị hóa của Việt Nam sẽ còn diễn ra mạnh mẽ.
"Sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư ngoại là tốc độ tăng trưởng nền kinh tế vẫn duy trì ở mức khá cao, bình quân 6%, trong khi các nước trên thế giới tốc độ phát triển đã chậm lại. Đơn cử, trước đó Hoa Kỳ tăng trưởng 3,5% nay giảm còn 2,5%, Trung Quốc trước đó là 8-10% nay giảm còn 6-7%", ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright cho biết.
Nước ta đang trên đà tăng trưởng và sẽ xuất hiện tầng lớp trung lưu mới do tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong khu vực, nhưng tỷ lệ đô thị hóa lại thấp nhất với mức 35% trong năm ngoái, đến năm 2020 sẽ là 45%. Trong khi tỷ lệ đô thị hóa của Hàn Quốc là 82%, Trung Quốc là 60%,... Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn ra nhanh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng giám đốc Coteccons cho biết, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam thể hiện ở việc trung bình mỗi năm có khoảng 01 triệu người nông thôn tiến vào thành phố. Tốc độ này vẫn còn tiếp tục tăng lên trong dài hạn, đây là cơ sở cho thị trường BĐS Việt Nam tại các thành phố lớn tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà ở phân khúc trung bình thấp tiếp tục tăng cao tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa.
|
Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam còn thấp chính là tiềm năng cho BĐS phát triển. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo cảnh báo của TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo, trường Quản trị và Chính sách, Đại học Fulbright, Việt Nam đang gặp trục trặc về vấn đề đô thị hóa khi số người đến đô thị quá thấp, trái ngược với quá trình đô thị hóa của nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, quá trình đô thị hóa 30 năm từ 1961-1990 của Hàn Quốc đạt tỷ lệ đô thị hóa là 82% cùng với số dân nông thôn giảm tuyệt đối. Còn tại Trung Quốc, cũng 30 năm đô thị hóa thì có tới hơn 500 triệu dân nông thôn di cư tới thành thị, tỷ lệ đô thị hóa là 60%. Như thế nền kinh tế mới có sức sống.
Sở dĩ Việt Nam đạt tỷ lệ đô thị hóa thấp sau đổi mới (1986) đến năm 2016 mới chỉ là 35% là bởi Việt Nam gặp vấn đề trục trặc về đô thị hóa, do những chính sách định hướng nguồn lực của Việt Nam đang có vấn đề, phát triển ngành công nghiệp chưa tốt. Đây cũng là nguyên nhân công dân Việt Nam đi xuất khẩu lao động nhiều, hay lượng du học sinh đã không trở về nước… Nếu Việt Nam điều chỉnh chính sách sẽ giúp tỷ lệ đô thị hóa “đi” rất nhanh từ 35% lên 60% hoặc 80%.
Cùng với tốc độ đô thị hóa, thị trường BĐS tại Việt Nam sẽ tăng lên theo nếu như không xảy ra “vòng xoáy 10 năm”. Vòng xoáy 10 năm đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt đỉnh năm 2007 tới 54% dẫn tới tình trạng đầu cơ chứng khoán, đầu cơ BĐS gây bất ổn cho nền kinh tế lúc đó. Tuy nhiên trong 09 tháng đầu năm 2017, tín dụng mới tăng trưởng 12% và room tín dụng cả năm tới 22%. Đặc biệt, cần tránh bài học tăng trưởng tín dụng nhanh, dễ dãi trước đó.
Ông Nguyễn Sỹ Công cũng cho biết thêm, chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng là động lực giúp cho thị trường bất động sản phát triển. Có những nhận định cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam không gắn với chỉ số chứng khoán mà gắn với lãi suất.
Ngoài ra, sự phát triển của BĐS sẽ theo xu hướng công trình xanh và nhà công nghệ (nhà thông minh), nhưng xu hướng nhà công nghệ sẽ đi nhanh hơn, bởi công trình xanh còn nhiều tiêu chí và áp lực công trình xanh tại Việt Nam không mạnh như những nước phát triển. Với xu hướng phát triển nhà thông minh, giá nhà ở chắc chắn ngày càng rẻ hơn.
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020