Thế hệ thiên niên kỷ – Millennial đã định nghĩa lại từ “làm việc” khi tách ra khỏi xu hướng làm công ăn lương của các thế hệ trước.
Trên thực tế, một báo cáo của Deloitte năm 2015 cho thấy 54% người trẻ đã bắt đầu hoặc có kế hoạch bắt đầu việc kinh doanh riêng của mình. Tuy nhiên, một bài viết của công ty dịch vụ tài chính Motley Fool gần đây cũng cho thấy người trẻ chưa biết cách quản lý tài chính cá nhân và "có nguy cơ tiêu hết tiền tiết kiệm dành cho lúc nghỉ hưu".
Zach Conway, cố vấn tài chính và cộng sự tại Conway Wealth Group, Mỹ từng làm việc với rất nhiều người trẻ và tận mắt chứng kiến những khó khăn của họ trong việc cân bằng giữa tài chính của bản thân và công ty mà họ điều hành.
Ông Conway đưa ra 5 quy tắc để giúp các doanh nhân trẻ tránh được viễn cảnh ảm đạm mà Motley Fool đưa ra.
Thuê người tư vấn chuyên nghiệp
Người trẻ thường chần chừ khi nghĩ đến việc thuê chuyên gia tài chính. Việc này cũng giống như việc ngại đi khám bác sỹ khi bị ho. Và những vấn đề tài chính tưởng chừng như vô hại, nếu để lâu mà không được giải quyết có thể gây ra những cơn đau tim cho bạn sau này.
Ngoài những hoạt động lập kế hoạch đơn giản như tạo bản kê khai ngân sách và tiết kiệm cá nhân, các doanh nhân phải đương đầu với những nhu cầu tài chính phức tạp hơn trong việc kinh doanh. Kế toán viên, luật sư và cố vấn tài chính có thể giúp bạn xác định nhu cầu và mục tiêu của bạn trong khi lập kế hoạch cho bạn và công ty của bạn.
Thay vì thuê người, một số doanh nhân trẻ thường dùng các ứng dụng đầu tư và lập kế hoạch DIY (tự làm). Tuy nhiên, những công cụ này thiếu yếu tố quan trọng của việc tư vấn: trách nhiệm cá nhân. Khi sử dụng những công nghệ vô tri vô giác, người trẻ không cảm thấy “tội lỗi” nếu không làm theo kế hoạch. Một nhà tư vấn thực sự không chỉ giúp bạn lập kế hoạch tài chính mà còn đưa ra những lời khuyên được thiết kế dành riêng cho bạn.
Trả lương cho mình
Quá tập trung vào việc xây dựng công ty thành công, một số doanh nhân tự quên chính bản thân mình. Thật không may, không đảm bảo an ninh tài chính của bạn có thể dẫn đến các vấn đề lớn hơn cho doanh nghiệp của bạn. Vì vậy, khi doanh nghiệp tạo ra doanh thu, hãy nghĩ đến việc tự trả cho mình một phần lợi nhuận.
Tất nhiên, bạn không nên lấy vốn ra khỏi công ty trước khi trả lương cho nhân viên, thanh toán hóa đơn và đưa ra một kế hoạch phù hợp để thanh toán nợ. Ngay khi bạn có thể tính đến những chi phí này, một mức lương cố định sẽ cho phép bạn tạo ra một ngân sách cá nhân có hệ thống hơn và kế hoạch tiết kiệm dài hạn.
Tự trả tiền cho bản thân cũng sẽ cho bạn thấy rõ hơn về khả năng sinh lời của công ty. Không xem xét tất cả các chi phí, bạn sẽ không bao giờ biết khi nào cần thực hiện những thay đổi quan trọng đối với cấu trúc chi phí để đảm bảo công ty thành công.
Tách riêng cá nhân và việc kinh doanh
Có sự khác biệt lớn giữa đầu tư vào doanh nghiệp của bạn và cách bạn nên đầu tư tài sản cá nhân. Thông thường, các doanh nhân trẻ tuổi gắn sinh kế trong tương lai với sự thành công của công ty họ điều hành. Mặc dù các doanh nhân nên dùng tiền của mình để tài trợ niềm đam mê, nhưng việc thiếu đa dạng hóa tạo ra rủi ro không lường trước đối với an ninh tài chính dài hạn.
Ngoài kế hoạch ngân sách và tiết kiệm, doanh nhân trẻ nên xây dựng danh mục đầu tư đa dạng, dài hạn tách biệt hẳn với việc kinh doanh của bản thân. Nếu may mắn, bạn sẽ tạo ra cả một công ty thành công và một nguồn thu nhập ổn định để sử dụng nếu và khi bạn chọn dừng kinh doanh.
Giữ sổ sách
Không có gì tệ hại hơn thất bại trong kinh doanh vì chính tăng trưởng. Khi xây dựng công ty, thuê nhiều người hơn và xử lý nhiều dự án hơn, bạn chắc chắn sẽ phải quản lý nhiều bộ phận hơn. Không may, doanh nhân thường tập trung vào việc mở rộng mà quên đi chi tiết nhỏ. Và đến những thời điểm như kê khai thuế, họ sẽ phải cuống cuồng đi xem lại từng giao dịch của công ty để khớp với thực tế.
Chính vì vậy, ngay từ đầu bạn nên quản lý tài chính của công ty một cách cẩn thận. Nếu có thể, hãy thuê một kế toán viên chuyên nghiệp. Họ sẽ xem xét dòng tiền và giúp bạn nhận ra những xu hướng cần thay đổi, ví dụ như giảm chi phí ở phần nay hay tăng vốn ở phần kia.
Chinh phục nợ nần
Cũng như tất cả các mục kế hoạch khác, trả nợ cũng gắn với việc tạo ra và tuân thủ một hệ thống nhất định. Mặc dù việc tránh những khoản nợ lãi suất cao rất quan trọng, bạn không cần phải trả ngay một số tiền rất lớn nếu bản thân và doanh nghiệp không thực sự đủ khả năng.
Trong khi nợ chắc chắn ảnh hưởng đến thực tế tài chính của bạn, việc quản lý khía cạnh cảm xúc cũng quan trọng đối với thành công. Với một kế hoạch cụ thể, các doanh nhân có thể biến các yếu tố cản trở như nợ thành động lực để làm việc.
Bằng cách tuân thủ các quy tắc cơ bản này, các doanh nhân trẻ có thể bớt căng thẳng vè chuyện tiền bạc, tập trung vào những phần tích cực hơn trong việc kinh doanh. Điều quan trọng nhất là hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn hơn và an toàn về tài chính.
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020