VCBS: Ngành Ngân hàng sẽ duy trì xu hướng tích cực trong nửa cuối 2017

Tín dụng tăng trưởng tốt, KQKD các ngân hàng phục hồi mạnh mẽ và các chính sách hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu sẽ là động lực duy trì xu hướng tích cực của ngành Ngân hàng.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21-22% có thể khả thi

Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 21/8/2017 đã đạt 10,06%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 là 9,01%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 là 18,71% và tín dụng cuối năm thường tăng tốt hơn đầu năm, mục tiêu 21- 22% trong năm nay là có thể khả thi.

 

Tại thời điểm cuối quý II/2017, một số ngân hàng đã sử dụng 70% giới hạn mục tiêu của NHNN và có thể xin gia tăng hạn mức. Trong trường hợp NHNN phê duyệt hạn mức đề xuất của các ngân hàng này, tín dụng cả năm nhiều khả năng được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô thuận lợi, Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi.

 

Trường hợp ngược lại, các ngân hàng này có thêm động lực để cơ cấu các khoản vay, chọn lọc khách hàng tốt và cải thiện chất lượng tài sản.

 

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng

 

Áp lực tăng lãi suất huy động có thể quay lại nhưng NHNN còn nhiều dư địa điều hành

Áp lực tăng lãi suất huy động đã được giảm nhẹ trong quý II/2017. Tuy nhiên, nếu NHNN không có động thái hỗ trợ theo kỳ vọng, cùng với thực trạng tín dụng càng được đẩy mạnh vào nửa cuối năm, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ nhanh chóng quay lại.

 

Điều này tạo nên rủi ro tiềm ẩn cho các ngân hàng khi lãi suất cho vay khó tăng, đặc biệt sau động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, ảnh hưởng tiêu cực đến NIM các ngân hàng hoặc thanh khoản thị trường liên ngân hàng có thể đảo chiều, gây bất lợi đối với các khoản đầu tư trái phiếu kỳ hạn dài diễn ra sôi động trong nửa đầu năm.

 

VCBS đánh giá NHNN còn dư địa để hỗ trợ mặt bằng lãi suất thấp, trong đó có thể cân nhắc đến các phương án như nới lỏng quy định Thông tư 06 đã được đề cập đến trong dự thảo, hoặc đẩy mạnh mua ngoại tệ,…

 

Các NHTM Nhà nước có thể đẩy mạnh hơn việc huy động vốn cải thiện CAR trong nửa cuối năm

Với hệ số CAR thấp sát mức quy định tối thiểu của NHNN, các NHTM Nhà nước ngày càng giới hạn dư địa tăng trưởng tín dụng. Theo đó, VCBS dự kiến các ngân hàng này sẽ quyết liệt hơn vấn đề huy động vốn trong nửa cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Theo đó, các ngân hàng có thể hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt, huy động vốn cấp 2 bằng phát hành trái phiếu hoặc thúc đẩy phát hành riêng lẻ.

 

Chính phủ ban hành Quyết định 1058/QĐ-Ttg phê duyệt “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” yêu cầu NHNN, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các NHNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo tiêu chuẩn vốn của Basel II.

 

Điều này sẽ hỗ trợ hơn cho các ngân hàng, cho phép các ngân hàng giữ lại cổ tức để tăng vốn, hỗ trợ trong quyết định phê duyệt các thương vụ phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn các ngân hàng nhiều khả năng vẫn sử dụng biện pháp phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn cấp bách. Và vì vậy, áp lực lên chi phí vốn cho các ngân hàng TMNN vẫn tiếp diễn trong thời gian tới.

 

Mặc dù không chịu áp lực tăng vốn cao như nhóm NHTMNN, nhóm NHTMCP vẫn có các động thái chuẩn bị, thể hiện trong các kế hoạch tăng vốn trình ĐHĐCĐ.

 

 

Kỳ vọng quá trình xử lý nợ xấu cải thiện sau khi các chính sách mới được ban hành

VCBS kỳ vọng quá trình xử lý nợ xấu sẽ được đẩy mạnh trong nửa cuối 2017 khi các chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội thông qua. Những chính sách mới có thể tác động tích cực thông qua việc cải thiện thu hồi nợ bằng tài sản đảm bảo, thúc đẩy sự tham gia của VAMC, hỗ trợ dòng tiền mới và thanh khoản thị trường mua bán nợ nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư mới.

 

Theo đó, nếu các chính sách trên được thực thi hiệu quả, dự kiến thị trường mua bán nợ xấu sẽ sớm được đưa vào hoạt động, đẩy nhanh xử lý nợ xấu và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Tất nhiên, điều này cần đi liền với sự phối hợp và hỗ trợ tích cực từ cả chính sách và các cơ quan quản lý có liên quan.

 

 

Theo Cafef

Tư vấn khoản vay