Đối mặt với nợ quá hạn như thế nào?

Bạn đang vay vốn ngân hàng (tín chấp hoặc thế chấp) nhưng dự tính mình sẽ bị nợ quá hạn vào tháng tới, bạn nghĩ mình nên xử lý thế nào?

Đối mặt với nợ quá hạn như thế nào

 

Trong cuộc sống, rủi ro luôn có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chẳng hạn nếu công ty chậm trả lương hay phá sản, bạn sẽ không có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày cũng như để trả nợ ngân hàng. Khó khăn này nên sớm được chia sẻ với ngân hàng. Hãy đến gặp chuyên viên tín dụng và trình bày khó khăn và đưa ra kế hoạch trả nợ trong thời gian tới. Kế hoạch này dựa trên cơ sở bạn tìm được việc ở doanh nghiệp khác… lúc này ngân hàng sẽ đưa ra phương án cơ cấu lại phương án trả cho bạn. Bạn hãy yên tâm chủ động chia sẻ những khó khăn này với ngân hàng. Lúc này, ngân hàng sẽ đưa ra phương án giúp bạn sắp xếp lại kế hoạch trả nợ. Tuyệt đối đừng… chạy trốn ngân hàng !

 

Ngân hàng sẽ hướng dẫn bạn giải quyết nợ

 

Một thực tế đáng buồn là có rất nhiều khách hàng khi gặp phải tình trạng mất khả năng thanh toán thường lẩn trốn bằng cách tắt toàn bộ liên lạc với ngân hàng. Đây không phải là cách xử lý khôn ngoan nhất, bởi sau khi đặt bút ký hợp đồng, trước sau gì bạn cũng sẽ phải trả toàn bộ cả gốc và lãi. Càng trốn tránh càng không giải quyết được vấn đề, mà ngược lại ngân hàng sẽ càng đòi nợ gắt gao hơn, khiến bạn rất khó khăn để được ngân hàng chấp nhận đàm phán giảm nhẹ mức phạt.

Do đó, có một số hướng giúp bạn xử lý nợ quá hạn như sau:

- Chủ động gặp nhân viên ngân hàng trước khi thu nhập bị giảm và trình bày khó khăn bạn đang gặp phải.

- Đưa ra kế hoạch chi tiết của bạn về việc sẽ trả khoản vay này. Ví dụ tháng 1 trả bao nhiêu tiền, tháng 2 trả bao nhiêu… từ những thu nhập khác của bạn hàng tháng ra sao.

- Trường hợp một thời gian dài không thể trả được nợ, bạn hãy cam kết và đưa ra phương án tạo ra thu nhập của mình để sẵn sàng phối hợp trả ngân hàng.

- Cùng với các cam kết trả này hãy đề nghị với ngân hàng một mức lãi suất thấp hơn so với mức phạt quy định để giảm gánh nặng nợ phải trả hàng tháng cho bạn.

- Cuối cùng, bạn hãy chủ động đề nghị đưa ra mức lãi suất quá hạn, phí phạt thấp hơn so với mức quy định bạn đầu để giảm gánh nặng tài chính.

Tóm lại, khi bị nợ xấu, bước giải quyết vấn đề tốt nhất là hãy chủ động tìm đến ngân hàng bạn vay, thuyết phục ngân hàng rằng mình hoàn toàn nghiêm túc muốn trả nợ và không có ý định chạy trốn. Như vậy, phía ngân hàng sẽ thông cảm và đưa ra mức phạt nhẹ hơn cho bạn.

 

Nếu bị nợ xấu kéo dài, ngân hàng sẽ xử lý thế nào?

 

Nếu trong một thời gian dài mà bạn vẫn bị thất nghiệp, không có đủ tiền để trả nợ ngân hàng, khoản vay của bạn sẽ rơi vào nợ quá hạn, sau đó đến mức nợ xấu theo quy định ngân hàng nhà nước. Mức lãi suất phạt nợ quá hạn ngân hàng áp dụng thường là 150% lãi suất đối với vay thế chấp, còn vay tín chấp thì tùy từng ngân hàng, có ngân hàng phạt tiền mặt, có ngân hàng phạt bằng lãi suất. Số tiền lớn dần lên từng ngày khiến bạn mất hẳn khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Thông tin khoản vay của bạn sẽ được gửi lên trung tâm thông tin tín dụng ảnh hưởng lớn đến uy tín của bạn nếu sau này bạn muốn tiếp tục vay ở các tổ chức khác.

Những hành động cụ thể của ngân hàng khi xảy ra tình trạng nợ quá hạn như sau:

- Gọi điện thông báo cho bạn, làm việc trực tiếp để xem xét hoàn cảnh khó khăn của bạn và yêu cầu bạn trả nợ.

- Thông báo đến cơ quan, doanh nghiệp nơi bạn đang công tác để cơ quan, doanh nghiệp đó hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ.

- Bàn giao cho 1 bên thứ 3 chuyên thu hồi nợ để thúc giục bạn tìm nguồn thu nhập mới trả nợ cho ngân hàng.

- Nếu các cách trên không khả quan, ngân hàng có thể kiện bạn ra tòa để giải quyết khoản vay của bạn theo luật dân sự.

Nếu không may rơi vào tình cảnh nợ xấu khi vay vốn ngân hàng, bạn cũng nên bình tĩnh xử lý từng bước một, đừng bao giờ nghĩ đến việc trốn tránh, vì bạn đã kí hợp đồng và khoản nợ đó mang tên bạn.

Mai Thảo

Tư vấn khoản vay