Thực hư rút tiền từ thẻ tín dụng không bị tính lãi?

Tuy rút tiền từ thẻ tín dụng không phải là tính năng chính của loại thẻ này nhưng trên thực tế bạn vẫn có thể rút tiền từ thẻ tín dụng nếu cần và khoản tiền rút ra sẽ bị tính lãi ngay lập tức.

Tuy vậy, nhiều người vẫn rỉ tai nhau về các dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng mà không bị tính lãi, liệu đây có phải là hình thức rút tiền hợp pháp, thực hư ra sao? Hãy cùng Topbank.vn tìm hiểu về vấn đề này.

 

1. Có thể rút tiền mặt từ thẻ tín dụng được không?

 

Nếu như bạn có tài khoản ngân hàng, chắc hẳn phải có trong tay một chiếc thẻ ghi nợ (hay còn được quen gọi là thẻ ATM). Nếu như với thẻ ghi nợ, việc rút tiền từ tài khoản ngân hàng là điều đương nhiên thì với thẻ tín dụng lại ngược lại. Rất nhiều người thắc mắc là thẻ tín dụng không hề được liên kết với tài khoản ngân hàng vậy thì liệu rút tiền từ thẻ tín dụng thì là tiền từ đâu?

 

>>>> Xem thêm: Mã CVV là gì? Cách sử dụng thẻ tín dụng an toàn?

 

Thẻ tín dụng không được liên kết với tài khoản ngân hàng là đúng, tuy vậy bạn vẫn có thể rút tiền từ thẻ tín dụng nhưng lúc này thực chất là bạn đang vay tiền ngân hàng và khoản tiền sẽ bị tính lãi ngay lập tức chứ không còn được miễn lãi 45 ngày như những giao dịch mua bán thông thường nữa.

 

Hơn thế mức phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tại cây ATM cũng khá cao, nhiều ngân hàng lên đến 4%/giao dịch. Với mức này, khi rút 5.000.000 đồng bạn mất phí 200.000 đồng, chưa kể bị tính lãi không dưới 10%/năm. Vì vậy không mấy ai rút tiền bằng thẻ tín dụng cả, chỉ trừ trường hợp cần tiền gấp mà tài khoản ngân hàng không còn tiền.

 

Rút tiền từ thẻ tín dụng

 

Rút tiền từ thẻ tín dụng - Ảnh minh họa

 

2. Thực hư chuyện rút tiền từ thẻ tín dụng không bị tính lãi

 

Hình thức rút tiền từ thẻ tín dụng chính thống là rút từ cây ATM, tuy vậy do lãi và phí quá cao nên nhiều người vẫn tìm đến các dịch vụ rút tiền bên ngoài với những lời mời chào vô cùng hấp dẫn như phí rút thấp, miễn lãi suất,… thực hư việc này thế nào?

 

Thực chất, các hình thức rút tiền mặt từ thẻ tín dụng không tại cây ATM đều là lách luật. Dịch vụ này thường có tại các nơi chấp nhận thanh toán thẻ qua máy POS. Người cần rút tiền vẫn cà thẻ như mua hàng hóa thông thường, hóa đơn mua hàng vẫn được in ra, tuy vậy không có giao dịch mua bán nào cả. Việc mua bán và chứng từ chỉ để lách luật, qua mắt ngân hàng. Người cần rút tiền nhận được số tiền mong muốn với mức phí rút thấp hơn và được miễn lãi 45 ngày theo quy định.

 

Máy POS

 

Máy POS - Ảnh minh họa

 

So với mức phí 4% và lãi suất thẻ tín dụng không phải thấp, việc rút tiền từ thẻ tín dụng với mức phí tương tự hoặc thấp hơn nhưng không bị áp lãi suất từ các dịch vụ chui rõ ràng hấp dẫn hơn với người tiêu dùng.

 

Về nguyên tắc, các cửa hàng không vi phạm vì vẫn thực hiện trên giao dịch mua bán. Tuy nhiên, nếu tình trạng này gia tăng sẽ dẫn đến nguy cơ nợ xấu. Đa số những người chấp nhận rút tiền từ thẻ tín dụng với hạn mức lên đến 100% thường có khả năng không trả được nợ rất cao, nhiều trường hợp khách hàng bế tắc buộc phải đi vòng qua kênh này để xoay bằng được tiền mặt trả khoản nợ đến hạn khác.

 

>>>> Xem thêm: Có nên làm thẻ tín dụng ngân hàng hay không?

 

Chính vì vậy, việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng với các dịch vụ nêu trên là không khuyến khích. Tốt nhất bạn nên sử dụng đồng thời thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, khi thanh toán bạn dùng thẻ tín dụng còn khi rút tiền bạn dùng thẻ ghi nợ. Ngoài ra hãy có thói quen tích lũy tiền bạc hay lập quỹ dự phòng khi cần thiết, hạn chế tối đa việc vay nóng vì lãi suất sẽ rất cao.

Theo Tài chính - ngân hàng

Tư vấn khoản vay